Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 7/2022

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 7/2022

Chiều 3/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cùng đại diện nhiều bộ, ngành tham dự họp báo đã cung cấp thông tin, giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn đã cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Bộ trưởng cho biết, tiếp nối đà phục hồi và phát triển của 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2022 và 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi; xuất đủ nhập; cung - cầu lao động, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm).

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. An sinh xã hội được bảo đảm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Ngoài ra, đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm, chống phá Đảng, Nhà nước… Nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo giải quyết.

Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đà phục hồi kinh tế; chỉ số "Chất lượng sống"…

Đặc biệt, Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Việt Nam còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Thêm vào đó, số ca mắc Covid-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới; tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Thiên tai diễn biến phức tạp; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng đó, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện: "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, cụ thể:

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Ổn định các loại thị trường, nhất là ổn định giá cả hàng hóa, thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản... Ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội là yếu tố nền tảng bảo đảm cho mọi thành công của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Tăng cường nắm tình hình, phân tích, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Tăng cường hiệu quả công tác an sinh xã hội, hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và đặc biệt là tiêm vaccine phòng, chống Covid-19. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân gắn liền với phòng chống tham nhũng tiêu cực để bảo đảm nguồn lực không bị thất thoát. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

Tiết kiệm triệt để trên tất cả các lĩnh vực, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trang thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà phải luôn luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung 9 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, với lĩnh vực kinh tế có một số giải pháp như: các bộ ngành tiếp tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đơn vị đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài….

Thứ trưởng Võ Thành Hưng trả lời câu hỏi của phóng viên
liên
 quan đến chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu

Trả lời phóng viên báo Tiền phong liên quan đến việc Chính phủ đang nghiên cứu việc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu; Phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết: Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các thuế, phí tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với thuế xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thời gian vừa qua trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến giá trong nước, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để báo cáo UBTVQH. Vừa qua ngày 6/7 đã có Nghị quyết 20 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và giảm trong khung theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Nghị quyết 20 này có hiệu lực từ ngày 11/7/2022 và để triển khai, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đảm bảo triển khai Nghị quyết của UBTVQH.

Thứ trưởng cũng cho biết, đối với thuế nhập khẩu, hiện tại chúng ta nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu cơ bản thuế nhập khẩu là 0%. Đối với mặt hàng xăng, hiện tại chúng ta nhập khẩu trong khối ASEAN là 8%, ngoài ASEAN theo biểu thuế hiện tại là 20%. Để tháo gỡ khó khăn đồng thời gia tăng, đa dạng hóa nguồn cung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giảm mức 20% này về 10%.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, thực hiện Công điện 679/CĐ-TTg, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để rà soát, có phương án trong thời gian tới căn cứ tình hình thị trường để điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó giảm giá xăng dầu.

GH​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính