Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật thuế GTGT (sửa đổi) bổ sung thêm nhiều quy định ích nước, lợi dân

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Luật thuế GTGT (sửa đổi) bổ sung thêm nhiều quy định ích nước, lợi dân

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - Bộ Tài chính thì dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) được hoàn thiện theo quan điểm tiếp tục góp phần phòng chống gian lận trong hoàn thuế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo đảm tính thống nhất

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật thuế GTGT sau 15 năm thực hiện đã đạt được các kết quả quan trọng, cũng như có những thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với việc chú trọng đến khuyến khích phát triển sản xuất, Luật thuế GTGT còn góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế thông qua khuyến khích phát triển các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp (DN), quy định điều kiện hoàn thuế GTGT, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào để thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hoá đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị DN. Đặc biệt Luật thuế GTGT đã quy định những điều kiện quan trọng để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, qua đó ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Mặt khác, Luật thuế GTGT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho NSNN; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Từ năm 2013 - 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu trong tổng thu NSNN, đơn cử như năm 2021, số thu thuế GTGT chiếm khoảng 23,6% tổng thu NSNN và năm 2022 khoảng 24,5%.

Mặc dù vậy, sự biến động nhanh của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đã khiến việc triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến các DN trong chuỗi cung ứng. Việc áp dụng các mức thuế suất (0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp; đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ). Quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách... Do vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật thuế GTGT là cần thiết nhằm tháo gỡ bất cập, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, và thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành. Những nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát theo 5 nhóm chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, bao gồm hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Đồng thời, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH (ngày 18/12/2023) “Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế”, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật đối với 4 nhóm chính sách là: người nộp thuế, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Những điểm mới đáng chú ý

Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến có 4 Chương, 16 Điều gồm: Những quy định chung; Căn cứ và phương pháp tính thuế; Khấu trừ, hoàn thuế; Điều khoản thi hành.

Trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp nội dung chính sách. Cụ thể, dự thảo Luật giữ nguyên nội dung quy định tại 5 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành; bỏ 1 điều của Luật Thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ.

Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT (VAT) 0% như sau: dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất VAT 0%; bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan, xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.

Sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo đó là vấn đề hoàn thuế. Nội dung này được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung nhiều quy định mới tại Điều 14.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định “cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Đồng thời, quy định rõ dự án đầu tư được hoàn thuế GTGT là “dự án đầu tư (mới, mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư hoặc nhiều hạng mục đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không hình thành tài sản cố định) đang trong giai đoạn đầu tư”. Ngoài ra, để đảm bảo chính sách minh bạch, tránh cách hiểu khác nhau, dự thảo bổ sung rõ quy định: “Trường hợp dự án đầu tư đã hoàn thành (bao gồm cả dự án đầu tư chia thành nhiều giai đoạn, hạng mục đầu tư có giai đoạn, hạng mục đầu tư đã hoàn thành) nhưng cơ sở kinh doanh chưa thực hiện hoàn thuế GTGT phát sinh trong giai đoạn đầu tư (hạng mục đầu tư, giai đoạn đầu tư đã hoàn thành) thì cơ sở kinh doanh thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định trong thời hạn 1 năm kể từ ngày dự án đầu tư hoặc ngày giai đoạn đầu tư, hạng mục đầu tư hoàn thành. Ngày dự án đầu tư hoàn thành là ngày phát sinh doanh thu của dự án đầu tư hoặc ngày phát sinh doanh thu của hạng mục, giai đoạn đầu tư (đối với dự án đầu tư chia thành nhiều giai đoạn, hạng mục đầu tư)”.

Dự thảo cũng bổ sung quy định “dự án tìm kiếm, thăm dò, phát triển dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư mà chưa được hoàn thuế và có số thuế chưa được khấu trừ còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT” để Luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại nghị định; bỏ quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; quy định rõ về việc không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh để tránh vướng mắc trong thực hiện.

Cơ quan soạn thảo cũng bỏ quy định không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không được hoàn GTGT; hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với một số trường hợp hàng hóa xuất khẩu theo quy định của Luật quản lý thuế. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc xác định thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn để Luật hóa quy định này đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật; bỏ quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi DN, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động.

Đặc biệt, tại dự thảo Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT. Theo đó, khi thực hiện công vụ hoàn thuế hoặc kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu không trung thực, không chính xác mà tại thời điểm thực hiện hoàn thuế hoặc thời điểm kết thúc hoạt động kiểm tra, thanh tra hoàn thuế, công chức thuế không thể biết hoặc không thuộc trách nhiệm phải biết về tính trung thực, chính xác do người nộp thuế cung cấp và công chức thuế đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật quản lý thuế, đã tuân thủ đúng quy định, quy trình về quản lý rủi ro hoàn thuế GTGT. Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điều kiện hoàn thuế để luật hóa quy định này đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật./.

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính