Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn phòng Chính phủ họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Văn phòng Chính phủ họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020

Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Cùng tham dự có đại diện một số bộ, ngành cơ quan Chính phủ và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội. Thứ trưởng Vũ Thị Mai đại diện Bộ Tài chính tham dự buổi họp báo.

Chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gửi lời chúc mừng năm mới tới các đại biểu tham dự; đồng thời cho biết phiên thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra cùng ngày là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là "chống dịch như chống giặc".

Tại phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…

1.jpg

Ảnh: Chinh phu.vn

Trước hết, về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. “Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân”

Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.

Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động.. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc"; Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020; Công điện số 156 ngày 02/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 733/VPCP-KTTH ngày 03/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Bộ Ngoại giao cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Tinh thần là bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta đồng thời hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trương hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được của năm 2019, đất nước chúng ta đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 1 năm 2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2020. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển KTXH thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.

Trong năm 2020, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, trọng tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Một nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2020, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã dành nhiều thời gian quan tâm đến vấn đề dịch bệnh.

Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Chiều 5/2, Bộ Y tế đã họp báo cung cấp thông tin cơ quan báo chí, trả lời gần 100 câu hỏi cụ thể.

Trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định. Lực lượng quân đội đã chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung , nhưng số này không nhiều. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.

Theo yêu cầu đưa ra, việc cách ly trực tiếp do người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, còn ngành y tế nắm bắt tình hình, kiểm soát về chuyên môn hằng ngày.

Việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp uỷ thực hiện tốt việc này . Năm 2003 khi có dịch SARS chúng ta đã thành công trong chống dịch nhờ thực hiện cách ly tương tự. Lần này chúng ta làm sớm hơn 2003, tôi cho rằng, nếu thực hiện cương quyết cách ly sẽ kiểm soát tốt hơn dịch nCoV trong thời gian tới”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh

Trả lời phóng viên Zing.vn về kịch bản phát triển KT-XH mới như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, trong đó nòng cốt là Tổng cục Thống kê, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09% “Tất nhiên đây chỉ là con số chúng tôi ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi”, ông Phương nói.

Giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, sớm ổn định tâm lý nhà đầu tư

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đầu tư chứng khoán về việc ngành Tài chính và UBCKNN có giải pháp cụ thể gì trong việc ổn định tâm lý thị trường và phát triển thị trường bền vững trong bối cảnh do ảnh hưởng bởi dịch cúm, VNIndex giảm đến 60 điểm và hàng chục tỷ đô la giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch đầu năm?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý ngày 30 và 31/1/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %. Đây là mức giảm điểm khá sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài thì giao dịch tương tự như các nước khác trong khu vực và cũng có thể phần nào có ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh trong những ngày đầu tiên. Mức giảm của TTCK Việt Nam tương đương với nhiều nước và thấp hơn một số nước sớm phát hiện những ca nhiễm bệnh. Tính chung trong hai tuần cuối tháng 1 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các TTCK châu Á khá mạnh, như Hong Kong giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8 %, Thái Lan 5,4 %.

Bắt đầu từ tháng 2, TTCK Việt Nam đã thu hẹp đà giảm. Tính chung 2 phiên đầu tháng 2, chỉ số VNIndex chỉ giảm có 0,8%, đứng ở mức 929 điểm. Riêng ngày 4/2 là ngày hôm qua, sắc xanh đã quay trở lại khi thị trường quay đầu trong phiên giao dịch buổi chiều và tăng 0,95 điểm so với ngày hôm trước.

Trước tình hình thị trường như trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCK Nhà nước tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Lãnh đạo UBCK Nhà nước cũng đã phát biểu trên truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời UBCK đã yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán, các công ty chứng khoán báo cáo hằng ngày về giao dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường, chống hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán. Với các giải pháp nêu trên thì TTCK Việt Nam trong vài ba ngày qua cũng đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm.

Đối với những giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, chủ động theo dõi diễn biến của thị trường quốc tế, diễn biến của TTCK trong nước hằng ngày, yêu cầu hai Sở Giao dịch Chứng khoán cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát, thực hiện báo cáo hằng ngày và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn. Yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình và không bị tác động về tâm lý.

Về giải pháp trung và dài hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021. Năm nay tập trung xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn để Luật Chứng khoán có hiệu lực, bao quát đầy đủ và khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá và đã được thông qua tại Luật Chứng khoán năm 2019.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại TTCK để phát triển hiệu quả hơn, năng động hơn theo Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư và giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

Đối với câu hỏi của phóng viên VnExpress cho biết theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng Chính phủ đã miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, các vật phẩm phòng bệnh, đề nghị Bộ Tài chính cho biết sẽ cụ thể miễn hàng nào, triển khai như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng tương đối thiếu và khan hiếm. Bộ Tài chính dự kiến và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trong Công văn số 92 ngày 4/2/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp các bộ trình phương án miễn thuế khẩu trang y tế nhập khẩu phòng chống dịch.

Chúng tôi trao đổi với bộ chuyên ngành có mã cụ thể khi thông quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thứ hai là miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, các mã sẽ cụ thể hoá trong quyết định miễn thuế; thứ ba, miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng trong chống dịch, chúng tôi cũng đang cụ thể các mã trong quyết định”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp các đơn vị như Bộ Công Thương cụ thể hoá các mã hàng. Trong sáng mai chúng tôi cũng xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, sau đó khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định sớm.

NA​


Bộ Tài chính