Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng chính sách tài chính xanh từ thị trường tín chỉ các bon

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Xây dựng chính sách tài chính xanh từ thị trường tín chỉ các bon

Ngày 26/3, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo tham vấn về thuế môi trường, thị trường các bon và trái phiếu xanh. Theo các chuyên gia, nguồn tài chính bền vững cho quá trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) không chỉ đến từ khu vực công – tư mà còn đến từ thị trường tín chỉ các-bon. Do vậy, Bộ Tài chính đang gấp rút quá trình xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các-bon với mục tiêu năm 2025 đưa vào thử nghiệm, sau đó sẽ hoàn thiện chính sách để vận hành chính thức vào năm 2028.

Kinh nghiệm quốc tế

Tại Hội thảo, bà Cescile Vigneau, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu để đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. Hiện nay, hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam đang mong muốn hướng tới cam kết thực hiện định hướng xanh hóa chi tiêu công. Đây là tiến trình đáng khích lệ và nước Pháp vui mừng được đồng hành cùng Việt Nam trong chương trình này thông qua các kinh nghiệm thực tiễn đã có để chia sẻ với Việt Nam. Thực tế trên tinh thần từ Hiệp định Pari 2015, cũng như sự thúc đẩy của các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện tiến trình phức tạp, dần tiến tới xanh hóa ngân sách.

Bà Cescile Vigneau, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

phát biểu tại Hội thảo

“Nước Pháp hiện đang ở vị trí tiên phong trong thực nghiệm chính sách thuế môi trường, thị trường các-bon và xanh hóa hệ thống tài chính công. Pháp thực hiện phong trào này với cách tiếp cận độc đáo đó là định giá yếu tố môi trường đa tiêu chí trong chi tiêu công và thực hiện từ năm 2021” - bà Tham tán Công sứ cho hay.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và AFD được ký kết ngày 10/7/2023 tại Paris (Pháp). Trên cơ sở các nội dung tại Kế hoạch hành động 2023-2024 được hai bên phê duyệt vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính Việt Nam và AFD đã tích cực thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác, nhằm đưa quan hệ hợp tác cấp Bộ đi vào chiều sâu; phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính xanh.

Hội thảo là cơ hội để hai bên tiếp tục có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và thực tiễn tốt của AFD về thuế môi trường, thị trường carbon và trái phiếu xanh. Đây là những nội dung mà Bộ Tài chính Việt Nam rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức, đòi hỏi các phản ứng điều hành chính sách cần chủ động, kịp thời” - bà Hoàng Thị Diệu Linh nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thị Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng,

trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức, đòi hỏi các phản ứng

điều hành chính sách cần chủ động, kịp thời

Khung khổ pháp lý cho tài chính xanh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia. Theo ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Tài nguyên môi trường (Viện Tài nguyên và môi trường), lần đầu tiên Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đưa nội dung tín dụng xanh và trái phiếu xanh vào Luật. Có thể nói, đây là 2 công cụ hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ việc hình thành thị trường tín dụng và trái phiếu. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường trước đó chỉ có quy định khuyến khích cấp tín dụng xanh, tài chính xanh cho các dự án bảo vệ môi trường, sau đó là tại một số nghị định do Bộ Tài chính đề xuất vấn đề này liên quan đến trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Chia sẻ về các định hướng xây dựng phân loại xanh tại Việt Nam, ông Mạnh cho biết, danh mục phân loại xanh là nhằm tạo hành lang pháp lý, kỹ thuật đầy đủ, qua đó nhằm huy động các nguồn lực tài chính xanh để thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Danh mục này được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp…

Xét về tình hình triển khai trái phiếu xanh ở Việt Nam, ông Mạnh nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn cho phát triển thị trường trái phiếu xanh. Những tiềm năng đó trước hết là khung khổ pháp lý như Luật Bảo vệ Môi trường, được thông qua vào năm 2020 đã đưa ra định nghĩa pháp lý quy định về việc phát hành trái phiếu xanh của Chính phủ. Tiếp đến là nhu cầu mạnh mẽ từ các chủ thể tham gia thị trường và nhu cầu lớn trong việc cấp vốn cho các dự án mang lại lợi ích môi trường. Cùng với đó, sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng được thể hiện qua cách tiếp cận chủ động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự hướng dẫn của Công ty Tài chính quốc tế… Vì vậy, ông Mạnh đề xuất khi xây dựng danh mục xanh cần phải đảm bảo nguyên tắc khoa học, công khai, phù hợp thông lệ chung của thị trường chung, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghia, cũng như thực tiễn vận hành. Đặc biệt cần phải đảm bảo đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo ngăn ngừa các dự án thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ mang lại tác động xấu đến môi trường…

 

 

 

Nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ từ các chuyên gia

Phân tích hiện trạng về tình hình triển khai trái phiếu xanh ở Việt Nam, ông Alexandre  Vincent – đại diện Kho bạc Pháp đồng tình với quan điểm của ông Mạnh. Tuy nhiên, ông Alexandre  Vincent cho hay, đến nay, số lượng trái phiếu xanh được phát hành rất hạn chế, thiếu sự ủng hộ từ ngành ngân hàng khi các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu trong việc xây dựng các sản phẩm và xác định các dự án xanh…

Cơ hội biến không khí thành “tiền tươi’

Thực tế, hiện nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng định giá các bon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn, mang lại nguồn thu khoảng 95 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam cũng vừa nhận được khoản tiền trị giá hơn 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Thế giới thanh toán tiền mua tín chỉ các bon rừng. Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước tạo tín chỉ các bon.

Theo các chuyên gia, không chỉ rừng, mà các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, lâm nghiệp, thậm chí là xây dựng, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải... đều trở thành những ngành tiềm năng, tạo ra nguồn thu từ việc bán tín chỉ các bon. Tuy nhiên, về lâu dài, việc mua bán tín chỉ các bon bình thường sẽ phải đưa lên sàn giao dịch. Mục tiêu lớn nhất của việc thiết lập thị trường các bon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. Tín chỉ các bon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2, nói cách khác, tín chỉ các bon đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 vào bầu khí quyển. Tín chỉ các bon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ các bon còn được gọi là thị trường các bon.

Toàn cảnh Hội thảo

Thông qua thị trường các bon có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của DN và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) trên thực tế, bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của DN. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.

Theo lộ trình của Chính phủ, thị trường các bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Điều 139 của Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính thiết kế một thị trường các bon. Như vậy, từ nay đến năm 2025 không còn nhiều, Việt Nam sẽ phải đưa vào vận hành thí điểm sàn giao dịch các bon. Do đó, Hiện, Bộ Tài chính với nhiệm vụ được giao đang gấp rút tham vấn kinh nghiệm quốc tế để xây dựng sàn giao dịch các bon.

Theo định hướng của Bộ Tài chính, sàn giao dịch tín chỉ các bon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự phát triển của đất nước, cũng như cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển toàn cầu. Việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các bon sẽ góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chủ thể tham gia thị trường bao gồm cơ sở phát thải khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức hỗ trợ giao dịch. Hàng hóa trên thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam gồm 2 loại là hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ các bon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận. Đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ các bon nhằm bảo đảm thị trường này hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế. Mặt khác, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ các bon, góp phần vào tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam cũng cần thiết phải xây dựng thị trường tín chỉ các bon nhưng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển. Chủ thể tham gia thị trường bao gồm cơ sở phát thải khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức hỗ trợ giao dịch. Hàng hóa trên thị trường tín chỉ các bon tại Việt Nam gồm 2 loại là hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ các bon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường trong nước.

 

Hội thảo tham vấn về thuế môi trường, thị trường các bon và trái phiếu xanh là một trong các hoạt động nằmtrong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2023-2024 của Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác về tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh giữa hai bên. Dự kiến trong 2 ngày 27-28/3, Bộ Tài chính và AFD sẽ phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo chuyên đề về thuế môi trường, thị trường các-bon và trái phiếu xanh cho cán bộ tài chính.

 

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính