Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA

Sáng 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt hơn 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có chuyển biến, nhưng tỷ lệ còn thấp. Thủ tướng đề nghị thảo luận, làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp như vậy. 

image

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 31/10/2020, ước giải ngân vốn ODA đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch được giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%). Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Một số tỉnh đạt kết quả giải ngân cao là Tây Ninh, Bình Định, Cao Bằng, Hà Nam, Bắc Kạn… Trong khi đó, một số địa phương có kết quả giải ngân thấp như Hải Dương, Đồng Nai, Cần Thơ…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân trên đã có chuyển biến nhưng chưa đạt như mong muốn, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các chủ trương, chính sách mới, buộc các dự án phải có những điều chỉnh, thay đổi như thay đổi thiết kế dự án, tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình; thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn kéo dài…

Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh tác động của đại dịch Covid-19, kết quả giải ngân của các dự án còn bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân chủ quan khác như: Dự án chưa hoàn thành thủ tục đàm phán nhưng đã được bố trí kế hoạch vốn nên không thể giải ngân; Dự án đã ký hiệp định vay và đã có hiệu lực, đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư trong nước nên không thể giải ngân; Dự án đã được bố trí kế hoạch vốn, đã hoàn tất thủ tục đầu tư trong nước nhưng thủ tục đấu thầu kéo dài dẫn tới chậm và không thể triển khai; Một số dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân… Ngoài ra còn có một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Quy trình quản lý dự án như mua sắm, đấu thầu, giải ngân của các nhà tài trợ là khác nhau; Khi có điều chỉnh dự án, ngoài thực hiện các thủ tục trong nước còn phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nhà tài trợ nước ngoài tương đối phức tạp. Đặc biệt đối với các hiệp định vay là các điều ước quốc tế thì còn phải báo Chính phủ trình Chủ tịch nước phê duyệt...

Bộ Tài chính đã kiến nghị 6 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; Giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán. Đối với các đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào, đồng thời trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định số vốn đã được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020 và số vốn đã giải ngân thực tế, nếu thiếu vốn và còn được tiếp tục giải ngân trong các năm sau phải đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư 2021, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trong đó, riêng nhà tài trợ World Bank đã có 8 hiệp định vay hết hạn rút vốn năm 2020, 10 hiệp định vay hết hạn rút vốn năm 2021. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần đánh giá kỹ và kiến nghị kịp thời. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới có căn cứ gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay…

Cùng với tham luận của Bộ Tài chính, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, tham luận của các Bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ vướng mắc như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, năng lực nhà thầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, thời gian tới, các Bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan đến vốn ODA theo hướng bài bản, cụ thể hơn để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, trong đó lưu ý chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án. Thủ tướng cũng lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân...

​T.N​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính