Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tướng Chính phủ: Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào thành công chung của cả nước

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Thủ tướng Chính phủ: Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào thành công chung của cả nước

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 06/01, tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HT

Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng tiền Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng trên 10%. Bội chi ngân sách được kiểm soát, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Cân đối thu chi ngân sách được đảm bảo, có nguồn chi cho các vấn đề phát sinh như công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngành Tài chính cũng kịp thời tham mưu các giải pháp tài khóa miễn giảm, giãn thuế phí kịp thời tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành Tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước. Báo cáo của Bộ Tài chính và các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu rõ các kết quả, thành tích đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, “nhưng phải khẳng định thành tích là nhiều hơn”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến việc triển khai kịp thời, hiệu quả của Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Bộ Tài chính. Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, vai trò tham mưu của Bộ Tài chính. Thủ tướng cho biết “Đêm hôm trước gọi điện cho đồng chí Bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về Quỹ vaccine, tôi đánh giá rất cao việc này”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành Tài chính cần khắc phục như: công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính còn có những hạn chế; công tác quản lý tài sản công còn bất cập, việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN còn chậm; nợ thuế có xu hướng tăng; quản lý nhà nước về giá cả còn cần cố gắng hơn, nhất là xử lý các tình huống không bình thường

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính về công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ liên quan tới tài chính - NSNN. Đối với việc phân bổ thu chi NSNN, Thủ tướng cho rằng cần phân bổ thu chi hợp lý. Có chính sách khen thưởng, kỷ luật phù hợp để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. “Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập”. Thủ tướng nói.

Giảm các khoản chi không cần thiết

Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Chính phủ đã đề ra phương châm hành động cho năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Trong bối cảnh đó, đối với nhiệm vụ của ngành Tài chính trong năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính sẽ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào nhiệm vụ cụ thể của Bộ trong năm 2022. Đồng thời căn cứ vào 6 quan điểm, 12 nhiệm vụ của Chính phủ đã đề ra, Bộ Tài chính bám sát xây dựng các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó cần khắc phục triệt để, có hiệu quả các hạn chế, yếu kém, bất cập mà ngành Tài chính đã chỉ ra như: giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN còn rất chậm...

“Mặt khác cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh các công việc mà ngày hôm nay chúng ta chưa dự báo hết” – Thủ tướng lưu ý.

Ngành Tài chính cũng cần nắm chắc tình hình, tham mưu các chiến lược cho Đảng, Chính phủ các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách như xu hướng phát triển các thị trường, giá cả các mặt hàng chủ lực, thị trường xuất nhập khẩu thế giới…

Cần phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo hai chính sách này độc lập, nâng đỡ nhau. Theo Thủ tướng, đây là hai chính sách rất quan trọng giúp điều hành nền kinh tế đất nước, tránh việc chính sách tài khóa triệt tiêu chính sách tiền tệ và ngược lại, tránh các lợi ích cục bộ cần đặt lợi ích chung lên trên để phối hợp nhịp nhàng giữa hai chính sách.

P:\NĂM 2022\1. TIN BÀI\PHÒNG BÁO CHÍ\3. Nguyen Huu Tho\0601 - Hội nghị tổng kết\Cai dai bieu tham du HN.jpg

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HT

Một vấn đề quan trọng là công tác thu - chi ngân sách nhà nước. Cần tìm các biện pháp đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, trong giai đoạn hiện nay cần “thắt lưng buộc bụng” và “không chỉ là hô hào khẩu hiệu”. Kiểm soát bội chi chặt chẽ, quản lý nợ công trong giới hạn cho phép.

Liên quan đến các vấn đề về quản lý tài sản công, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cần chỉ ra các nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn… Đặc biệt, việc quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến nhiều sai phạm, cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nghiên cứu các nguyên nhân gây ách tắc, tiêu cực.

Mặt khác tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường nhất là trong các dịp lễ tết. Phối hợp các chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Ngoài ra cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách trong toàn ngành, chú trọng công tác giám sát. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống gian lận xuất xứ nhất là trong dịp cuối năm và dịp tết nguyên đán sắp tới. Ngành Tài chính (Hải quan) cần quan tâm phối hợp với các bộ ngành khác thực hiện tốt.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng ngành Tài chính số, Chính phủ số tạo mọi điều kiện thuận lợi phục vụ cho người dân, doanh nghiệp hướng tới thực hiện mục tiêu theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030.

Ngành Tài chính tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, theo dõi đánh giá tác động thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20… nhằm nâng cao vị thế của ngành Tài chính Việt Nam.

Ngoài ra, chú trọng tới công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên trong ngành Tài chính, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng dựa vào đổi mới sáng tạo để phát triển ngành, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tích cực phòng chống tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm trong ngành Tài chính. Công tác xây dựng Đảng cần gắn với tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức của đơn vị.

Với những kết quả đạt được của năm 2021, Thủ tướng tin tưởng: “Kết quả năm 2022 sẽ cao hơn, nhiều hơn so với năm 2021, đây vừa là mong muốn và cũng là giao nhiệm vụ cho ngành Tài chính. Các cán bộ công chức của ngành sẽ luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Ngành là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư””.

Thu Trang​


Công thông tin điên tử Bộ Tài chính