Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Nghị định số 67/2021/NĐ-CP: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Nghị định ra đời với nhiều điểm mới nổi bật và được kỳ vọng sẽ góp phần quản lý, sử dụng nhà, đất đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản công. Đặc biệt là giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng

Thông tin về những nội dung chính được bổ sung tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP, ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết, thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh (quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP): Nghị định đã bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 về việc không thực hiện sắp xếp lại đối với “a) Nhà, đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa” để phù hợp với thực tế vì các tài sản này vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (thuộc đối tượng sắp xếp).

Đồng thời bổ sung quy định loại trừ một số nhà, đất ra khỏi phạm vi phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý do các nhà, đất này đã được điều chỉnh cụ thể tại các pháp luật khác như pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở,...

1-nha dat cong.jpg

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Thứ hai, về đối tượng áp dụng (quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP). Nghị định đã sửa đổi quy định về đối tượng “Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước); công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (công ty cổ phần)” phải thực hiện sắp xếp tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để quy định rõ hơn về đối tượng doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp bao gồm cả doanh nghiệp cấp I, cấp II, cấp III.

Thứ ba, về nguyên tắc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP). Nghị đinh bổ sung thêm quy định về nguyên tắc quản lý đối với số tiền do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định của pháp luật) cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất. Do đây là nội dung đã phát sinh trong thực tế thời gian qua và pháp luật chưa có quy định cụ thể (tại khoản 5 Điều 3 dự thảo).

Thứ 4, về thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP). Nghị định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp của Bộ Tài chính đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý theo hướng phân cấp thẩm quyền cho các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III quản lý nhằm cải cách, rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, nhất là việc sắp xếp của các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện cổ phần hóa.

Thứ 5, về thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất thuộc trung ương quản lý (quy định tại khoản 9 và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP). Nghị định sửa đổi thẩm quyền thu hồi nhà, đất từ Bộ Tài chính về UBND cấp tỉnh để thống nhất đồng bộ với quy định của pháp luật đất đai và đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi.

Bên cạnh đó, sửa đổi thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc trung ương quản lý từ Bộ Tài chính về Bộ, cơ quan trung ương xem xét, quyết định nhằm nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương trong tổ chức thực hiện việc bán nhà, đất.

Thứ 6, về xử lý chuyển tiếp (quy định tại khoản 19 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP). Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đã có quy định điều khoản xử lý chuyển tiếp đối với nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp. Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP còn chưa bao quát hết các tình huống cụ thể đã phát sinh trong quá trình thực hiện. Do đó, cần quy định rõ việc xử lý chuyển tiếp đối với từng trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời những bất cập, vướng mắc thực tế đã phát sinh.

Quản lý chặt chẽ quỹ nhà, đất của các doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ

Về việc Nghị định có quy định xử lý chuyển tiếp nhà, đất của công ty cổ phần trước đây không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhưng nay lại thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, các Công ty nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi sở hữu (cổ phần hóa) trước ngày 08/3/2007 thì không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, không phân biệt tỷ lệ (%) vốn do Nhà nước nắm giữ. Nay, để quản lý chặt chẽ quỹ nhà, đất của các doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ, nhà nước thực hiện sắp xếp lại nhà, đất của các đối tượng này.

Để quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất được liên tục, đúng pháp luật, tại mục 6 khoản 19 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất của công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ mà trước ngày 01/01/2018 không thuộc đối tượng áp dụng Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, nay thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể, theo đó, trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa hoàn thành việc bán thì thực hiện như sau: Trường hợp đã tổ chức đấu giá thành công thì tiếp tục thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc mua bán tài sản theo quy định của pháp luật.

Trường hợp chưa tổ chức đấu giá hoặc tổ chức đấu giá không thành hoặc kết quả đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hoặc quyết định bán của cơ quan, người có thẩm quyền đã hết hiệu lực theo quy định của pháp luật thì dùng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp bán chỉ định (theo quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật) mà người mua được tài sản đã ký hợp đồng mua bán tài sản hoặc cơ quan chức năng đã có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) thì người mua được tiếp tục hoàn tất các thủ tục còn lại để hoàn thành việc mua bán theo quy định của pháp luật và quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp bán chỉ định (theo quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật) nhưng chưa ký hợp đồng mua bán tài sản, chưa có văn bản thông báo về số tiền phải nộp (hoặc giá bán) của cơ quan chức năng thì dùng việc bán và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này; trừ trường hợp việc bán chỉ định đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Bên cạnh đó đối với trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện như sau: Trường hợp chưa được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2005 (hoặc chưa có quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014) thì thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư mà giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực thì xử lý như sau: Trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan thì tiếp tục thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp còn lại thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện rà soát để xem xét, quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

Theo ông La Văn Thịnh, Nghị định 67/2021/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Bên cạnh đó Nghị định đã có các quy định phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng phân cấp mạnh hơn như: các Bộ, cơ quan trung ương phê duyệt phương án đối với nhà, đất do doanh nghiệp cấp II, doanh nghiệp cấp III; quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) quyết định thu hồi (trước đây theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP là Bộ Tài chính quyết định đối với các trường hợp này).

“Vì vậy, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất” - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản đánh giá.

Bên cạnh đó việc xử lý chuyển tiếp được quy định rõ, cụ thể; góp phần giải quyết vấn đề đang đặt ra trong việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt trước ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực; đặc biệt là các nhà, đất phê duyệt theo phương án chuyển nhượng, chuyển mục đích có nhiều dự án đang dừng hoặc chậm triển khai thực hiện do có vướng mắc phát sinh.

Thu Trang​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính