Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Năm thứ 5 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Năm thứ 5 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công

Ngày 30/12, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021. Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn đã chủ trì Hội nghị; Tham dự Hội nghị còn có đại diện các đơn vị trong ngành Tài chính.

Điều chỉnh kịch bản phù hợp với thị trường

Báo cáo tổng kết về kết quả công tác đã thực hiện trong năm 2020, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi cho biết, thực hiện chương trình, kế hoạch của Bộ trong việc triển khai các giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020”, trong đó đặt ra nhiệm vụ về công tác quản lý, điều hành giá phải bảo đảm hướng đến mục tiêu “Kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Quản lý giá đã có Kế hoạch hành động cụ thể làm triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ (Quyết định số 15/QĐ-QLG ngày 31/01/2020).

C:\Users\tavuthuhang\Documents\29.12 TTB\30.12 Cuc QLG\A Tuan 2.JPG

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã phải điều chỉnh do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 và giá thịt lợn có xu hướng tiếp tục tăng cao ngay sau nghỉ Tết. Trước tình hình đó, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tổ chức ngay cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 31/01/2020 chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp cụ thể để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thịt lợn, rau củ, vật tư tiêu dùng phục vụ phòng chống dịch Covid-19, dịch vụ công (y tế, giáo dục) và biện pháp điều hành giá các mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, bình ổn giá; Đến tháng 3, Ban chỉ đạo lại tiếp tục tổ chức cuộc họp chuyên đề riêng về mặt hàng thịt lợn ngày 20/3/2020 và cuộc họp Ban chỉ đạo Quý I/2020 để có những chỉ đạo kịp thời kiểm soát CPI, bình ổn thị trường; có những giải pháp bình ổn giá cung – cầu mặt hàng thịt lợn.

Trong bối cảnh tình hình thiên tai mưa bão tại miền Trung và một số tỉnh phía Nam bị nhiễm mặn rửa phèn, Thủ tướng Chính phủ - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã có chỉ đạo về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020.

Thông qua các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai tích cực của các Bộ, ngành, địa phương nên chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 về cơ bản diễn biến theo kịch bản dự báo từ đầu năm; giá một số mặt hàng thiết yếu đã được điều hành với lộ trình và bước đi phù hợp không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá chung, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Trong đó, đối với giá xăng dầu: trong năm 2020, giá xăng dầu được điều hành theo diễn biến của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, song vẫn đảm bảo bình ổn giá xăng dầu trong nước. Để làm được điều đó, cần sự chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ bình ổn giá, và các giải pháp tài chính khác nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vị mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn giá cả thị trường; đảm bảo cân đối lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp. Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp với với Bộ Công Thương thực hiện ban hành 24 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định. Thực hiện công khai chi tiết giá xăng dầu thế giới từng ngày, phương án tính giá cơ sở; đồng thời, thực hiện công bố công khai tình hình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và tồn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Quý I, II, III theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính để nhân dân biết và giám sát.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\29.12 TTB\30.12 Cuc QLG\Toan canh1.jpg

Toàn cảnh

Đối với giá thóc gạo, Cục đã tham mưu cho Bộ thông báo công bố giá mua thóc, đảm bảo kịp thời triển khai nhiệm vụ mua bán theo kế hoạch gắn với mùa vụ. Trước những diễn biến giá thịt lợn liên tục tăng trong những tháng đầu năm, căn cứ vào các giải pháp và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục đã chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến giá thịt lợn, dự báo nguồn cung và tham mưu trình Bộ trình Ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành mặt bằng giá đảm bảo kiểm soát lạm phát chung; Đồng thời tích cực tham gia đối với Vụ Chính sách thuế, Tổng Cục Hải Quan trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá các biện pháp bình ổn giá thịt lợn trong đó có giải pháp mức thuế nhập khẩu một số loại thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh... qua đó giúp giảm giá mặt hàng thịt lợn.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\29.12 TTB\30.12 Cuc QLG\Chi Ngoc 1.JPG

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Bùi Thúy Ngọc

Trước diễn biến của dịch Covid -19, một số mặt hàng hóa chất sát khuẩn, khầu trang.... phục vụ phòng chống dịch bệnh có hiện tượng tăng giá mạnh do nguồn cung thiếu hụt. Bộ Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá tối đa mua hàng dự trữ quốc gia mặt hàng sát khuẩn, khử trùng theo đề nghị của Bộ Y tế. Đồng thời, tham mưu trình Bộ có công văn số 162/BTC-QLG ngày 21/2/2019 và công văn số 259/BTC-QLG ngày 06/3/2020 trong đó chỉ đạo các địa phương và kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp bình ổn giá, xử lý nghiêm tình hình vi phạm về giá, găm hàng, tăng giá bất hợp lý theo quy định, hiện nguồn cung dồi dào nên giá các mặt hàng này giảm, không còn tình trạng khan hàng, sốt giá.

Đối với công việc chuyên môn thường xuyên, Cục Quản lý giá đã nhận được hơn 10.000 văn bản đến, trong đó có hơn 600 văn bản phải tổ chức triển khai trình Bộ hoặc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giá, văn bản tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ để xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Công tác quản lý, điều hành giá được triển khai toàn diện chú trọng hoàn thành kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo, điều hành giá theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và các giải pháp của Ban Chỉ đạo điều hành giá và qua đó để, chấn chỉnh sai sót; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để triển khai các công việc phát sinh đột xuất...

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch trong quản lý, điều hành giá cũng được Cục chú trọng quan tâm và phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành để thực hiện nhằm tạo đồng thuận trong dư luận xã hội. Theo đó, cơ chế chính sách về quản lý giá, thẩm định giá đã được tuyên truyền một cách rộng rãi và được dư luận đồng thuận, ủng hộ.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đều đánh giá cao kết quả đã đạt được của Cục Quản lý giá trong năm 2020; đồng thời, các đại biểu bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý giá để công tác điều hành giá sẽ đạt được kết quả tốt trong năm 2021. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Thị Hằng cho biết: Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá trong việc hoàn thiện các văn bản pháp luật từ khâu soạn thảo cho đến việc thẩm định…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Bùi Thúy Ngọc chúc mừng Cục Quản lý giá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2020 và mong rằng Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục hỗ trợ kịp thời Tổng cục Dự trữ trong quy trình làm giá để giá sát với thị trường và thời điểm mua bán hàng dự trữ.

Tiếp tục nâng cao khả năng dự báo, điều hành giá cả

Đánh giá về kết quả công tác năm 2020, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo đúng mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm đạt 3,23%, mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung. Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\29.12 TTB\30.12 Cuc QLG\A Khoi.JPG

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi

Chia sẻ về mục tiêu điều hành giá năm 2021, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%. Để giữ vững được mục tiêu này đòi hỏi các cán bộ làm công tác giá cần phải linh hoạt, bám sát diễn biến của thị trường, nâng cao khả năng phân tích dự báo đưa ra các phương pháp điều hành giá đúng hướng. Năm 2021, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều nhưng không xem xét tăng giá trong năm 2020.... Ở chiều ngược lại trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch, đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2021, Cục Quản lý giá tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan đề ra, đồng thời thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Đặc biệt, Cục sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và chính phủ đề ra; song song đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hướng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau tết; Chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Mộc Lan​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính