Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019

Chiều 2/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi Họp. Cùng tham dự có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng Vũ Thị Mai đại diện Bộ Tài chính tham dự và trả lời câu hỏi phóng viên tại buổi họp.

10 kết quả, thành tựu nổi bật

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những nội dung và kết quả của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tổ chức trong ngày 02/10 tại Hà Nội.

mr Mai Tien Dung.jpg

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi Họp

Theo đó, phiên họp tập trung nhìn lại, đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 01, 02, trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ cả năm 2019; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông báo với báo giới những tin mừng về kinh tế - xã hội đất nước. Theo Bộ trưởng trong bối cảnh, kinh tế thế giới có tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái…nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đáng chú ý là 10 thành tựu nổi bật sau:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây; đây là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36%, dịch vụ tăng 6,85%.

Thứ hai, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.

Thứ ba, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% (vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD).

Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%.

Thứ năm, trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 190 tỷ USD. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD. Có thể nói xuất siêu 5,97 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.

Thứ sáu, ngành công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. IIP 9 tháng ngành công nghiệp tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Thứ bảy, mặc dù nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu) nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành. Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%. ,...

Thứ tám, tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.

Thứ chín, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Thứ mười, các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống nhân dân được cải thiện, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, số hộ thiếu đói giảm 33%, trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng.

“Kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị để báo cáo Trung ương tại kỳ họp sắp tới, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Niềm tin của các tổ chức quốc tế uy tín vào nền kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái, song theo nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% năm 2020. Citigroup Inc đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm cho kinh tế Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%. Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. hiện đã dự báo mức tăng trưởng 7% cho kinh tế Việt Nam năm 2019,…

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì trong vài năm tới. Tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại hạn chế và khó khăn thách thức cần phải vượt qua.

toan canh.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Trước hết là, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua.

Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định được thời gian hoàn thành; giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%).

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó 40% là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ; giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm.

Trong tháng 9 và quý III, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần phải quan tâm như: đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài, tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc trong nhân dân; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hay vấn đề môi trường 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở các ý kiến và thảo luận, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, kiên định thực hiện các mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh là "không được ngủ quên trên chiến thắng".

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chỉ đạo: Chúng ta phải phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Về kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng… đồng thời phải nỗ lực, thực hiện các hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao,…

Kỳ vọng tăng trưởng cả năm 2019 cơ bản đạt và vượt 6,8%

Buổi họp đã dành phần lớn thời gian để phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trực tiếp đặt câu hỏi và nghe trả lời từ đại diện các cơ quan, bộ, ban ngành thuộc Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong những ngày vừa qua; Tiến độ tuyến Đường sắt Cát Linh-Hà Đông tiếp tục không hoàn thành thời gian; Trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với 9 người đi theo đoàn chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội và bỏ trốn ở Hàn Quốc; Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV và cả năm 2019; Trách nhiệm của những người liên quan trong việc dùng tiền NSNN lắp camera giám sát tại nhà thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trả lời PV Công Tùng (Trung tâm tin tức VTV 24h) về mức tăng trưởng GDP quý III/2019 là 7,31% - mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Liệu mức tăng trưởng này là bền vững hay tăng trưởng nóng và sẽ tạo động lực gì cho phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, quý III và 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng đạt 7,31% (GDP ước đạt 6,98%) cao nhất trong 9 năm qua. Những động lực tăng trưởng rất rõ từ khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 9,36%, trong đó đặc biệt công nghiệp công nghệ chế tạo đạt 10,37%, khu vực dịch vụ 6,85%. Trong điều kiện căng thẳng thương mại lớn mà kết quả xuất khẩu đạt rất cao 194 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 8,2%, đầu tư xã hội 34,3% tăng 10,3%, khu vực ngoài nhà nước chiếm hơn 45% và tăng trưởng 16%. Đây là các chỉ số rất quan trọng khẳng định kết quả tăng trưởng này hoàn toàn phù hợp. So với các quý gần đây được liệt kê lại thì tình hình quý III/2016 tăng 6,56%, quý II/năm 2017 tăng 7,38%, quý III/năm 2018 tăng 6,82%. Như vậy tăng trưởng quý III năm nay so với cùng kỳ các năm trước là hoàn toàn phù hợp.

Về đánh giá và dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2019, ông Trung cho rằng, tốc độ tăng trưởng, động lực duy trì tăng trưởng chủ yếu ở các khu vực công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Ngoài ra vừa qua ngày 26/9, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương “chúng tôi cho rằng, trong quý III khi mà tình hình giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện tốt hơn sẽ góp phần tác động vào tăng trưởng những tháng cuối năm. Chúng tôi tin rằng với kết quả của việc Chính phủ tích cực tạo các điều kiện, giải pháp thì quý IV – quý cuối cùng của năm 2019, tăng trưởng cả năm 2019 cơ bản đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra 6,8%”, ông Trung nói.

ms Mai.jpg

Thứ trưởng Vũ Thị Mai trả lời câu hỏi phóng viên tại buổi họp báo

Đối với câu hỏi của PV Hoài Thu (Zing.vn) về việc thông tin tỉnh Sóc Trăng chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách để lắp camera tại nhà riêng cho 12 người là thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chính phủ có nắm được thông tin này không và có quan điểm như thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Tất cả mọi khoản chi tiêu cũng như chế độ chi tiêu đều phải tuân thủ theo quy định của Luật Ngân sách. Trong Quyết định 09 ngày 22/9/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về một số chế độ chi tiêu trong hoạt động của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương thì việc chi lắp đặt camera không quy định trong nội dung Quyết định này. Chính vì vậy, ngày 30/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng đã tiếp thu ý kiến và thống nhất thu hồi lại, hoàn trả kinh phí này và nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng: Việc lắp hệ thống camera của các nhà riêng, các khu công cộng, trường học, bệnh viện, bến xe… có thể nói là giải pháp rất tích cực để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội… Nhưng trong quá trình thực hiện, việc dùng ngân sách nhà nước để chi lắp đặt cho gia đình các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là không đúng. Khi nhận được thông tin báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp khẩn và ban hành Quyết định hủy Quyết định 1462 ngày 23/4/2019, thu hồi số tiền đã cấp từ ngân sách để lắp camera cho gia đình các cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo các cơ quan Trung ương.

“Đây là bài học cần rút kinh nghiệm chung, trong khi chỉ đạo các lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước luôn thắt chặt về việc chi ngân sách nhà nước; chi tiêu phải hiệu quả, đúng mục đích. Đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện Quyết định 08 ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên…”, ông Dũng nói.

NA​


Bộ Tài chính