Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch

Ngày 11/7, tại Tp. Hòa Bình (Hòa Bình), Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và công tác quản lý tài sản công. Hội nghị với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, các Bộ ngành; Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm nước sạch các địa phương...

Hội nghị triển khai quy định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch được tổ chức tại Hòa Bình kéo dài trong 1,5 ngày (11-12/7/2022). Hội nghị với nội dung tương tự sẽ được tổ chức tại Bình Định vào ngày 14-15/7/2022 tới.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu khai mạc hội nghị

Rà soát, hoàn thiện chính sách tài sản công là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh, Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu đánh giá về những kết quả đạt được, những nội dung còn khó khăn, vướng mắc qua đó làm cơ sở định hướng, sửa đổi bổ sung các chính sách có liên quan. Hiện có nhiều vấn đề cần được xin ý kiến sửa đổi, bổ sung như: việc sử dụng tài sản công để kinh doanh cho thuê, liên doanh liên kết, mua sắm tập trung, định hướng sửa đổi xe ô tô công…

Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết thêm, thời gian qua công tác quản lý tài sản công luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, qua các thông tin báo chí phản ánh. Sự quan tâm này đã tạo cơ hội cho những người được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công có điều kiện tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội cũng đặt ra nhiều trách nhiệm, trong đó việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng tài sản công là vấn đề quan trọng nhất.

 “Chính vì việc xây dựng thể chế chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản đang rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong chương trình dự kiến sẽ ban hành mới, sửa đổi bổ sung 18 văn bản” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết.

Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; Xin ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2022/NĐ-CP; Đánh giá tình hình cập nhật tài sản hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Xin ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Đánh giá tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn Luật; thảo luận vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong quá trình triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn Luật.

Bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản giới thiệu khái quát về Nghị định số 43/2022/NĐ-CP

Thông tin đến Hội nghị về  tiến độ xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, triển khai thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài chính, Cục Quản lý Công sản được giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch hướng dẫn Nghị định số 43/2022/NĐ-CP.  Đến nay, cơ quan soạn thảo đã nhận được ý kiến tham gia của 14 Bộ, ngành và 45 ý kiến tham gia của địa phương.

Dự thảo Thông tư gồm 3 Chương, 11 Điều với các nội dung về: Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (nông thôn tập trung, đô thị) do Nhà nước đầu tư, quản lý; để mở sổ và thực hiện kế toán tài sản; báo cáo tình hình tăng, giảm, tính hao mòn tài sản hàng năm theo quy định pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm các nội dung quy định tại Nghị định 43/2022/NĐ-CP, góp ý vào dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch hướng dẫn Nghị định 43/2022/NĐ-CP.

Về cơ bản các đại biểu đánh giá cao việc ban hành Nghị định 43/2022/NĐ-CP đã kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Bên cạnh đó, nêu ra một số vướng mắc xoay quanh các vấn đề cụ thể như: làm rõ vấn đề xác định giá trị hoàn trả tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch khi bàn giao cho doanh nghiệp có vốn nhà nước thế nào; xác định thời gian hao mòn tài sản; xác định giá trị bàn giao tài sản...

Các kiến nghị, vướng mắc nêu trên đã được lãnh đạo Cục Quản lý công sản trả lời đầy đủ, thấu đáo. Đồng thời lãnh đạo đơn vị cũng đã tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện cho dự thảo Thông tư quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Phần mềm Quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung góp phần quản lý chặt chẽ hồ sơ tài sản công

Tại Hội nghị, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng đã thông tin về Phần mềm Quản lý tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản thông tin
về Phần mềm Quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung

Bà Trần Diệu An cho biết, năm 2012, trong khuôn khổ “Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2012-2015”, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Úc đã hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng Phần mềm quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Phần mềm được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 2014.

Mô hình hoạt động của Phần mềm được triển khai trên môi trường Internet với địa chỉ truy cập Phần mềm: https://ctns.gov.vn, máy chủ các ứng dụng được cài đặt tại Bộ Tài chính.

Tính đến ngày 31/5/2022, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã cập nhật được thông tin của 81 đơn vị sự nghiệp công lập, 24 đơn vị doanh nghiệp, 12.145 đơn vị cấp xã.

Đánh giá về kết quả đạt được, theo bà Trần Diệu An, Phần mềm bước đầu đã góp phần thực hiện quản lý chặt chẽ hồ sơ tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; Hỗ trợ các cơ quan quản lý theo dõi được nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cũng như kết xuất các báo cáo kịp thời phục vụ công tác quản lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trang bị đồng bộ các công cụ phục vụ công tác quản lý tài sản công...

Tuy nhiên, bà An cũng cho rằng Phần mềm được xây dựng và triển khai từ năm 2014 mà chưa được thực hiện nâng cấp để đáp ứng các quy định của pháp luật được ban hành trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc đăng nhập số liệu tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chưa được cập nhật đầy đủ về số lượng cũng như giá trị dẫn đến công tác tổng hợp báo tài chính nhà nước, báo cáo tình hình quản lý sử dụng tài sản công hàng năm chưa được kịp thời.

Thu Trang​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính