Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sửa Luật Quản lý nợ công đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

TIN TỨC SỰ KIỆN  
Sửa Luật Quản lý nợ công đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Đây là lần đầu tiên dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

BT Dung trinh bay ve du thao no cong.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình tại Quốc hội

Góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật, đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN); tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt thông qua hình thức Chính phủ bảo lãnh và cho vay lại; cơ cấu nợ có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng vay trong nước, giảm tỷ trọng vay nước ngoài; chủ động bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Trong giai đoạn 2010-2016, đã phát hành trên 1.277 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 32,8 tỷ USD (khoảng 658 nghìn tỷ đồng) nhằm tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Đáng chú ý, Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hạn. Đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi Luật. Trong đó, còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần có thống nhất như việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào nợ công hay không. Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001); việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao...

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều quy định của Luật quản lý nợ công đã bộc lộ một số vấn đề không còn phù hợp, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được điều chỉnh,... Vì vậy, Ủy ban TCNS tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt việc sửa đổi phải góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.

Không tính nợ của DNNN vào nợ công

Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 Chương, 67 Điều so với 7 Chương, 49 Điều của Luật Quản lý nợ công năm 2009. Về bố cục, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) bổ sung 3 chương mới, 18 Điều so với Luật hiện hành và sửa đổi 44 trong tổng số 49 Điều của Luật hiện hành. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu và quan điểm sửa đổi Luật nêu trên, Dự thảo Luật có một số nội dung sửa đổi chủ yếu sau:

Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm đó là quy định về phạm vi nợ công. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kế thừa Luật hiện hành về quy định nợ công gồm: Nợ chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; và nợ của chính quyền địa phương. Đồng thời bổ sung quy định nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DNNN, đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của nhà nước; nợ do NHNN phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.

Thẩm tra về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban TCBS Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập. "Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thống nhất đầu mối quản lý nợ công

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công, Điều 19 Dự thảo Luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế,...

Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay,...

"Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trên thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập", báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS nêu rõ.

Theo đó, thông lệ được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các Luật có liên quan cho phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy và nhiều nội dung của Luật nên đề nghị xin ý kiến Quốc hội.

Siết cấp bảo lãnh Chính phủ

Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 07/NQ-TW, dự thảo Luật bổ sung một số nội dung liên quan đến đối tượng, điều kiện, thẩm quyền quyết định chủ trương, hạn mức bảo lãnh, thẩm định khả năng trả nợ và xử lý rủi ro để siết chặt bảo lãnh Chính phủ nhằm kiềm chế tốc độ gia tăng nợ công.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Luật nhằm giảm thiểu yêu cầu hướng dẫn thực hiện, trong đó có nội dung về quy định đối với cấp và quản lý bảo lãnh, Chính phủ đã rà soát và bổ sung các quy định tại Chương VI về cấp và quản lý bảo lãnh, trong đó bổ sung quy định về xây dựng, quyết định hạn mức bảo lãnh (khoản 5 Điều 46); bổ sung một số nội dung về quản lý bảo lãnh Chính phủ (Điều 49); trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ (Điều 50).

N.L