Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tục hiệp thương giá

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH Lĩnh vực Quản lý Giá  
Thủ tục hiệp thương giá

1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Bên mua và bên bán mỗi bên gửi 01 bản chính văn bản đề nghị hiệp thương giá trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Sở quản lý ngành, lĩnh vực (Cơ quan tổ chức hiệp thương giá) hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở quản lý ngành, lĩnh vực (nếu có). Văn bản đề nghị hiệp thương giá thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP.

Bước 2: Sở quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức rà soát văn bản đề nghị hiệp thương giá trong thời gian tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá (tính theo dấu công văn đến hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến nếu có).

Trường hợp văn bản đề nghị hiệp thương giá đúng quy định, Sở quản lý ngành, lĩnh vực thông báo kế hoạch tổ chức hiệp thương giá, yêu cầu bên mua và bên bán cử người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật) tham gia hội nghị hiệp thương giá.

Trường hợp văn bản đề nghị hiệp thương giá không đúng quy định, Sở quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị các bên bổ sung thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Thời hạn để các bên bổ sung thông tin tối đa 15 ngày làm việc (tính theo dấu công văn đến hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở quản lý ngành, lĩnh vực nếu có).

Bước 3: Trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá đủ điều kiện theo quy định (tính theo dấu công văn đến hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở quản lý ngành, lĩnh vực nếu có), Sở quản lý ngành, lĩnh vực tiến hành hiệp thương giá.

Bước 4: Tại hội nghị hiệp thương giá, Sở quản lý ngành, lĩnh vực trình bày nội dung hiệp thương giá; giá mua, giá bán đề nghị của bên mua và bên bán để bên mua và bên bán thương lượng về mức giá.

Trường hợp bên mua và bên bán thỏa thuận được với nhau về mức giá thì Sở quản lý ngành, lĩnh vực lập biên bản theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương theo quy định để ghi nhận kết quả hiệp thương giá. Bên mua và bên bán thực hiện mức giá hiệp thương theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Giá.

Trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và không tiếp tục đề nghị Sở quản lý ngành, lĩnh vực xác định mức giá thì Sở quản lý ngành, lĩnh vực lập biên bản xác nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương giá theo quy định.

Trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị Sở quản lý ngành, lĩnh vực xác định mức giá để hai bên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Giá thì Sở quản lý ngành, lĩnh vực lập biên bản xác nhận theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, có chữ ký của đại diện các bên tham gia hiệp thương giá theo quy định.

Bước 5: Sở quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật Giá. Trường hợp cần thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ, Sở quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản thông báo cho bên mua và bên bán để tiến hành các thủ tục thuê tổ chức tư vấn xác định mức giá theo quy định. Ngay sau khi có kết quả xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ, tổ chức tư vấn phải gửi kết quả cho Sở quản lý ngành, lĩnh vực, đồng thời gửi cho bên mua và bên bán.

Bước 6: Sở quản lý ngành, lĩnh vực ban hành văn bản xác định mức giá gửi cho bên mua và bên bán thực hiện.

2. Cách thức thực hiện: Gửi trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến nếu có hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Sở quản lý ngành, lĩnh vực.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bản chính văn bản đề nghị hiệp thương giá.

4. Thời hạn giải quyết: 

+ Thời hạn rà soát văn bản đề nghị hiệp thương giá: tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến);

+ Thời hạn để các bên bổ sung thông tin nếu văn bản đề nghị hiệp thương giá không đúng quy định: tối đa 15 ngày làm việc (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến);

+ Thời hạn tổ chức hiệp thương giá: tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hiệp thương giá đủ điều kiện theo quy định (tính theo dấu công văn đến hoặc qua dịch vụ công trực tuyến).

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở quản lý ngành, lĩnh vực (Cơ quan hiệp thương giá được phân cấp theo ngành, lĩnh vực đối với hàng hóa, dịch vụ).

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: 

- Biên bản hội nghị hiệp thương giá theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024.

- Văn bản xác định mức giá.

8. Phí, lệ phí: 

Chi phí thuê đơn vị tư vấn xác định mức giá hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá tại hội nghị hiệp thương giá và tiếp tục đề nghị Cơ quan hiệp thương giá (Sở quản lý ngành, lĩnh vực) xác định mức giá để hai bên thực hiện. 

9 Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Văn bản đề nghị hiệp thương giá thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 85/2024/NĐ-CP.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

+ Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 25 của Luật Giá và phù hợp với phạm vi quản lý của Cơ quan hiệp thương giá (Sở quản lý ngành, lĩnh vực) quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Giá.

+ Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Cơ quan hiệp thương giá (Sở quản lý ngành, lĩnh vực) để tiến hành xác định mức giá theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 13 Nghị định 85/2024/NĐ-CP; cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ cho việc xác định mức giá.

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023.

- Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá.

* Thành phần hồ sơ số hóa bắt buộc

Mẫu số 01.docx
Sở Tài chính