Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực

Chiều ngày 28/12/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), Ủy ban Quốc gia về CĐS đã tổ chức phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự phiên họp tại điểm cầu Trung ương và có bài phát biểu liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số ngành Tài chính. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Chuyển đổi số đạt kết quả toàn diện

Đánh giá kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 81%. Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75. Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn năm 2023 là năm đồng hành đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022.

Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, gộp 4 quy trình: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, Đăng ký bảo hiểm xã hội, Khai trình sử dụng lao động và Đăng ký sử dụng hóa đơn, chỉ còn 1 quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện từ 16 ngày xuống tối đa là 6 ngày. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ, tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.

Bộ Tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số phổ cập áp dụng hóa đơn điện tử

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trình bày báo cáo tham luận tại Hội nghị

Báo cáo tham luận tại phiên họp tại điểm cầu trung ương, đồng chí Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số” của Chính phủ, Bộ Tài chính, đã và đang nỗ lực cải cách, hiện đại công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; cung cấp các dịch vụ thuế số theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Bộ Tài chính, một trong các cơ quan nhà nước đã triển khai ứng dụng CNTT từ rất sớm (từ năm 1991, đến nay đã qua hơn 32 năm xây dựng và ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin trong quản lý thuế). Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai mở rộng các dịch vụ nộp thuế, hoàn thuế cho doanh nghiệp, dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân trên thiết bị thông minh, Cổng cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài,… cho gần 900.000 doanh nghiệp, hơn 70 triệu cá nhân và hộ, cá nhân kinh doanh và 68 nhà cung cấp nước ngoài nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho NNT khi thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2022, thực hiện Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là quy định về việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử. Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Về kết quả tính đến tháng 12/2023, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP với hơn 6 tỷ hóa đơn (trong đó có hơn 1,73 tỷ hóa đơn có mã và hơn 4,34 tỷ hóa đơn không mã) đã được cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý. Nhằm khuyến khích người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, Bộ Tài chính đã tổ chức chương trình lựa chọn hóa đơn may mắn hàng quý từ năm 2022 tại các cơ quan thuế trên toàn quốc với tổng số 7.888 giải thưởng (hơn 19,4 tỷ đồng) đã được trao cho các cá nhân. Bộ Tài chính đang rà soát, nghiên cứu về việc mở rộng phạm vi giá trị trao thưởng nhằm khuyên khích NNT lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Về hiệu quả mang lại của việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế: Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đồng bộ từ việc bán hàng đến lập hóa đơn để gửi cho người mua. Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đồng thời giúp cơ quan thuế đảm bảo được việc quản lý, thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh mới hiện nay.

Kết quả triển khai hóa đơn điện tử đã đóng góp vai trò quan trọng giúp ngành Thuế nâng cao công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, số thu ngân sách lũy kế giai đoạn 2021-2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, với sự bùng nổ của các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, thương mại điện tử và kinh doanh xuyên biên giới, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo công tác quản lý thuế và chống thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành trung ương (như Bộ Công An, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước), UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các sở/ngành địa phương trong phối hợp với cơ quan thuế thực hiện triển khai hóa đơn điện tử và quản lý hoạt động thương mại điện tử là đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tài chính

Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thành công, có hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn xăng dầu trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương tương tự như giai đoạn triển khai hóa đơn điện tử toàn quốc trước đây. “Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, sở ngành phối hợp chặt chẽ cùng ngành thuế trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng như xử lý vi phạm đối với trường hợp các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua theo quy định của pháp luật”, đại diện Bộ Tài chính đề xuất.

Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước, với 6 kết quả chính, như: triển khai hiệu quả năm Dữ liệu số quốc gia, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được triển khai tích cực, hiệu quả; dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực với gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế yếu kém như: việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm; chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao; tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; một số dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức…

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia.

HD​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính