Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ triệt để rào cản về thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ triệt để rào cản về thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới

Sáng 5/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV được khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các Luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng với đó là tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên khai mạc.Ảnh: QH

Xem xét, quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhân dân ta, đất nước ta.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các Luật, Nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng.

Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 5/5 đến ngày 29/5/2025; đợt 2 bắt đầu từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc ngày 30/6/2025. Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn”. Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Với 54 dự án Luật, Nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án Luật, 14 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 06 dự án Luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Về kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước (NSNN), tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc.Ảnh: QH

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân và công tác quản lý nhà nước...

Năm 2024, KTXH tiếp tục phục hồi rõ nét

Ngay sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2025.

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình KTXH nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3, giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: QH

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn.

Trong đó, Chính phủ đã hoàn thành vượt và đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu).

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; bội chi, nợ công được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.

GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; thu NSNN đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342,7 nghìn tỷ đồng trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí là 197,3 nghìn tỷ đồng.

Các động lực tăng trưởng truyền thống đều phát huy hiệu quả; đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn so với cùng kỳ, Việt Nam là một trong 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; khách quốc tế tăng mạnh; xuất siêu 24,8 tỷ USD, khai mở thành công các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi; khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới, chuyển đổi số mạnh mẽ với điểm sáng là Đề án 06; thương mại điện tử có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực, tăng 20%. Nhiều dự án hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa tốt.

Đồng thời đổi mới tư duy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế đất nước. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, tạo không gian và cơ hội phát triển mới. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường....

Tăng trưởng GDP quý I/2025 cao nhất cùng kỳ 5 năm trở lại đây

Khái quát những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới biến động khó khăn, phức tạp, đặc biệt, Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các lĩnh vực. Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỉ giá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. CPI quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô.

Toàn cảnh. Ảnh: QH

Cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng tích cực, sản xuất nông nghiệp duy trì đà phát triển, sản xuất công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên các dự án trọng điểm quốc gia.

Triển khai đề án 06 mang lại nhiều kết quả thực chất. Chuyển đổi số trong quản lý thuế, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu NSNN.

Đáng chú ý, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ, giảm 8 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài; thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống lãng phí.

Phân tích rõ nguyên nhân, kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ đã đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đạt được các mục tiêu đề ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra.

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính