Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát dưới 4%

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát dưới 4%

Sáng ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp tổng kết đánh giá kết quả công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã tham dự và báo cáo tại phiên họp.

Nhiều biện pháp quản lý, điều hành giá toàn diện

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc sớm kiểm soát được dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế của Việt Nam và việc ứng phó thành công với Covid-19 đã đưa Việt Nam lên một vị thế khác.

image

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định dù dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ở tư thế phòng thủ bệnh tật trong phát triển. Dù dịch bệnh bao vây xung quanh chúng ta nhưng không được để dịch bệnh Covid-19 quay lại lần thứ hai vì điều đó sẽ xóa bỏ mọi thành quả, nỗ lực của cả đất nước.

Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đánh giá thế giới tăng trưởng âm trong năm nay, trong đó 5 nước ASEAN có quy mô kinh tế lớn cũng được dự báo tăng trưởng âm. Riêng Việt Nam được IMF dự báo tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm nay. 6 tháng đầu năm, GDP cả nước chỉ đạt 1,81%, mức thấp nhất 10 năm qua nhưng đây vẫn là mức cao của thế giới.

 

image

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã báo cáo kết quả công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm 2020. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 có diễn biến tăng giảm đan xen, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, trong đó, tăng cao vào tháng 1, sau đó chuyển xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo và dần hồi phục trở lại mức bình thường trong tháng 5 và tháng 6. Từ đó đưa CPI bình quân giảm dần từ mức cao 6,43% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, dần tiệm cận với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Phân tích nguyên nhân làm tăng áp lực lên mặt bằng giá, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, do mức tăng giá của 4 nhóm mặt hàng bao gồm: Giá nhiên liệu xăng dầu và giá khí LPG (gas) tăng vào tháng 5 và tháng 6; Giá thịt lợn ở mức cao trong 5 tháng đầu năm; Giá gạo và vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh có xu hướng tăng; Tiêu dùng trong nước dần hồi phục do vậy nhu cầu du lịch, ăn uống cũng như tiêu dùng điện, nước mùa nóng cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá xăng dầu, LPG trong nước giảm mạnh trong thời điểm quý I và đầu quý II; Giá thuê nhà ở giảm; Chính sách về miễn, giảm giá điện trong quý II; Các chính sách về tài khóa, tiền tệ được triển khai đồng bộ, toàn diện đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả thị trường.

 

image

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà báo cáo tại phiên họp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng báo cáo về các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác mà các bộ ngành đưa ra nhằm kịp thời ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Trong đó, chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, triển khai nhiều gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ… Các chính sách tài khóa này vừa có tính giải quyết các vấn đề phát sinh cấp bách trước mắt, vừa giải quyết được các vấn đề lâu dài.

Có thể nói, công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm đã được triển khai toàn diện với nhiều biện pháp kịp thời, góp phần ổn định mặt bằng giá cả thị trường, giá các mặt hàng nhà nước còn định giá. Qua đó giúp kiểm soát lạm phát theo định hướng, chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho việc dần phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong nước.

2 kịch bản điều hành giá

Trên cơ sở công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm, để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4%, Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng cần phải tiếp tục triển khai công tác quản lý, điều hành giá sát sao, quyết liệt. Bộ Tài chính và Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai kịch bản với lạm phát bình quân năm 2020 trong khoảng từ 3,64%- 3,95%.

image

image

Thảo luận của các thành viên Ban chỉ đạo và chuyên gia

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá nhất trí với nội dung báo cáo của Bộ Tài chính và cho rằng có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%. Các thành viên và các chuyên gia cũng phân tích kỹ hơn về những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: công tác điều hành, quản lý giá trong thời gian tới cần theo quy luật thị trường, dựa trên quan hệ cung cầu và các cơ quan chức năng cần theo dõi từng lĩnh vực cụ thể, chi tiết để có giải pháp ứng phó kịp thời; cần xem lại khâu trung gian vì đây là khâu cốt lõi trong điều hành giá thịt lợn và nông sản; đánh giá tổng thể các chính sách kích cầu của các bộ ngành để nhìn lại một cách đúng mức hơn; phát triển mạnh thị trường nội địa thông qua việc liên kết sản xuất giữa các khâu…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn bởi giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%, trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chín phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật về giá bảo đảm đúng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn hiện nay, ví dụ như đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, tất cả các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kiểm soát yếu tố tình hình giá, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đầu cơ, nâng giá, gây biến động giá, độc quyền giá trái quy định, trong đó kiểm soát tốt đầu vào, chống đầu cơ nâng giá…

T.N​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính