Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương
và các cá nhân, tập thể liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được giao phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh
hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã
hội.

Ảnh minh họa: MT
Ngày
15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc việc
thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Chỉ thị nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao
và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, lực lượng chức năng đã
tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết.
Thời
gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn,
thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây áp lực lớn đối
với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu
cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán phải tập
trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt
động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối
với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết.
Tiếp
tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ,
giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là tại Nghị
quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày
05/01/2024, Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất
kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện hiệu quả
công tác an sinh xã hội bảo đảm toàn diện, đa tầng, hiện đại, bao trùm,
bền vững.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm
theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, có phản ứng chính
sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường
kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc,
phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...
Tiếp
tục theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, nhất là những vấn đề
mới phát sinh, việc điều chỉnh chính sách của các nước để kịp thời tham
mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trọng tâm nhằm giữ vững
ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo
đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chủ động theo dõi sát diễn biến để
kịp thời có các giải pháp cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường
thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng, dịch vụ có nhu cầu
tăng cao như ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, thăm quan,
lễ hội...
Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi
tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ
họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5; đồng thời tập trung xây dựng,
bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh năm 2024, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7
Quốc hội khóa XV.
Triển
khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư
công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024; coi đây là một
nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu
cực, tham nhũng, lãng phí. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ
chi tiết 100% vốn đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ
tướng Chính phủ giao, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật đầu tư
công và các nghị quyết của Chính phủ.
Các
bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo quyết
liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi
công và giải ngân vốn các dự án ngay từ đầu năm. Thực hiện chế độ báo
cáo tình hình giải ngân theo
quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, kịp thời xử lý theo
thẩm quyền và báo cáo đề xuất các khó khăn, vướng mắc với các cấp có
thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện.
Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư; lập, thẩm định,
phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để
sớm khởi công các dự án được giao làm cơ quan chủ quản, nhất là các dự
án được dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 và
2024.
Quyết
liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để
thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả
các lĩnh vực; thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh…
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý
Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, điều
hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập
trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước
năm 2024; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất
là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách theo Nghị
quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ; đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương
năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà
soát, tổng hợp và kịp thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm
2024 đối với các nhiệm vụ của ngân sách trung ương chưa phân bổ trong dự
toán đầu năm theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số
105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023
theo đúng quy định. Riêng đối với các khoản chi của ngân sách trung ương
năm 2024 chưa phân bổ đầu năm cho các bộ, cơ quan để thực hiện mua sắm,
hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công
nghệ thông tin, đề nghị thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh
Khái tại văn bản số 820/VPCP-KTTH ngày 01/02/2024 của Văn phòng Chính
phủ.
Bộ
Tài chính được giao phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo
từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt
đầu năm 2024, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Bộ
Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán khối lượng hoàn
thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực
tuyến của Kho bạc Nhà nước; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý
hồ sơ, bảo đảm giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ
thanh toán mà không rõ lý do và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư. Phối
hợp chặt chẽ, kịp thời tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc
điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2024 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai
đoạn 2021 - 2025, bảo đảm theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
Bên
cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối
hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương
xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu
chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới
nổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024.
Tuệ Anh