Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước

Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024, Bộ Tài chính cho biết, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tuy nhiên, để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực triển khai có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức đơn vị; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro… từ đó bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Ảnh minh họa. H. Tuấn

Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ

Trong những năm qua, Bộ Tài chính luôn chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như thuế, hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Trong những tháng vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng tới công tác giáo dục biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) bằng cách liên tục tổ chức 111 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ, với hơn 13,276 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính chú trọng tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra…

Kết quả, trong Quý I/2024, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 185 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị thu nộp NSNN 25,4 triệu đồng, số tiền đã thu nộp NSNN là 25,4 triệu đồng; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kiểm điểm trách nhiệm theo quy định.

Để phòng ngừa tham nhũng, vừa qua, Bộ Tài chính luân chuyển hơn 2.000 người; Trong đó đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.163 người. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị thực hiện theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy trình nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện hơn 14 ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong Quý I/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 185.352 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; kiến nghị xử lý tài chính 14.630.513 triệu đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp NSNN 3.674.975 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 10.955.532 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 941.262 triệu đồng); số tiền đã thu nộp NSNN 2.601.904 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 04 kết luận thanh tra chuyên ngành của năm trước chuyển sang. Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 1.708.991 triệu đồng, trong đó: kiến nghị nộp NSNN 452.013 triệu đồng; kiến nghị giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 18.444 triệu đồng, kiến nghị khác 1.238.534 triệu đồng. Căn cứ hồ sơ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chuyển đến, Thanh tra Bộ Tài chính ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền 444 triệu đồng. Số tiền đã thu hồi nộp NSNN 20.856 triệu đồng (trong đó: thanh tra chuyên ngành 20.311 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 545 triệu đồng).

Trong những tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã thực hiện 18 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 9 tổ chức vi phạm với tổng số tiền vi phạm là 710,5 triệu đồng (trong đó kiến nghị thu hồi về NSNN 551,4 triệu đồng, về tổ chức đơn vị 6,6 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 152,5 triệu đồng), xử phạt vi phạm hành chính 35,1 triệu đồng đối với 10 tổ chức có hành vi vi phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả đấu tranh PCTN

Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN, TC khắc phục những hạn chế, yếu kém để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, trong thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thực hiện nghiêm các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác cán bộ, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án; thanh tra, kiểm tra...

Đồng thời, đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình; Tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.

Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định của Đảng đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng./.

Kim Chung


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính