Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Thủ tướng yêu cầu các địa phương giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Công tác điều hành giá luôn được Chín phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá tháng 6/2024

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Có thể thấy trong mấy năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo và kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn; chỉ đạo, ban hành kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân... được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát diễn biến, tình hình thực tiễn, chủ động thực hiện nhiều giải pháp điều hành, quản lý giá cả hiệu quả, kịp thời; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động thực hiện các giải pháp cung cầu hàng hoá đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... góp phần ổn định mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, Ban Điều hành giá nhận định, trong thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.

Giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá

Để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, từ nơi bắt đầu, không để lúng túng, bị động trong mọi tình huống, trong Công điện số 61, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả.

Bên cạnh đó là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị.

Hàng hóa đa dạng, giá cả được kiếm soát khá tốt tại một chợ dân sinh ở Đồng Hới-Quảng Bình. Ảnh: NA

Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.

Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế

Công điện cũng nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Ngoài ra, các Bộ gồm Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...), phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan để đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%. Đồng thời cần chủ động đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng. Công khai minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Mộc Lan​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính