Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ khẩn trương xây dựng lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ khẩn trương xây dựng lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu

Sáng 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm và bàn định hướng những tháng còn lại của năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, đại diện Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Điều hành giá tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, bàn giải pháp chỉ đạo điều hành giá trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành phải có kịch bản điều hành giá đối với 3 mặt hàng gồm giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục trong tháng 6/2024.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Dư địa vẫn còn cho những tháng cuối năm

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong nửa đầu năm, công tác điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đối với giá xăng dầu, về cơ bản không có nhiều biến động. Tính đến ngày 6/6/2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 23 kỳ điều hành giá. Trong 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước cơ bản có xu hướng tăng, từ cuối tháng 4 cho đến nay liên tục giảm về mức giá gần tương đương so với đầu năm.

Hiện giá vé máy bay đã giảm so với giai đoạn cao điểm trước. Giá vé (chưa gồm thuế, phí, dịch vụ tăng thêm…) của các hãng trong giai đoạn tháng 5/2024 trên các đường bay nội địa hạng phổ thông dao động khoảng 30-70% mức tối đa theo quy định. Để chuẩn bị cho mùa du lịch hè sắp tới và giai đoạn đến cuối năm, các hãng hàng không đều có các dải giá với đa dạng các mức giá khác nhau, trong đó đã có thêm nhiều chuyến bay đêm có giá rẻ cho hành khách lựa chọn, do đó đã góp phần giảm nhiệt giá vé máy bay trong dịp hè.

Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển cũng tăng nhanh trở lại từ đầu tháng 5 do bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang tại Biển Đỏ dẫn đến tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng; sự tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore dẫn đến tàu thuyền phải chờ đợi, làm tăng chi phí và thiếu container rỗng.

Giá một số mặt hàng như giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi tăng từ 3%-10% trong tháng 5, giá thịt gà công nghiệp tăng trong khi giá thịt bò hơi ổn định, giá một số loại rau xanh tăng do nhu cầu tiêu thụ mạnh trong bối cảnh thời tiết có những diễn biến bất thường…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đánh giá về tình hình giá cả trong

những tháng cuối năm

Dự báo giá cả thị trường thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho rằng những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vẫn là giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện do tới kỳ điều chỉnh theo lộ trình. Giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như giá xăng dầu do những biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới; giá gạo xuất khẩu Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì ở mức giá cao, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, cũng còn nhiều yếu tố góp phần giảm áp lực lạm phát, trong đó tình trạng lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2024 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”; Sản xuất nông nghiệp trong nước được kỳ vọng tiếp tục diễn biến thuận lợi sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng... cũng góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức 4-4,5%, căn cứ vào diễn biến trong những tháng đầu năm và xu thế thị trường thế giới; trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu (giá xăng dầu, giá gas, giá lương thực, thực phẩm, giá vật liệu xây dựng, giá nhà ở thuê) kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện của các Bộ, ngành, Bộ Tài chính ước tính lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8%-4,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4-4,5% và có thể lên 4,6% nếu có nhiều yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa khoảng 0,39 - 0,6%, như vậy đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.

Để kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2024, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao tại các Thông báo kết luận họp Ban chỉ đạo định kỳ.

Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện, y tế, giáo dục

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giá học phí trong 6 tháng đầu năm vẫn áp dụng theo năm học 2023-2024. Đối với giáo dục mầm non phổ thông giữ ổn định như năm trước. 3 năm nay đã không tăng học phí đối với cấp mầm non phổ thông.

Toàn cảnh phiên họp

Về giá học phí đối với cơ sở giáo dục đại học, mức năm học 2023-2024 bằng mức trần năm trước quy định theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, đến năm 2025-2026, cơ bản bù đắp chi thường xuyên, tuy nhiên, để giữ ổn định giá cả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP quy định học phí đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên chưa tăng học phí trong năm học 2023-2024. Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình Uy ban nhân dân để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với năm học 2024-2025, giá học phí đối với cấp học mầm non phổ thông vẫn giữ như hiện nay. Đối với giáo dục đại học, đề xuất tăng 12,5-14% so với năm trước. Chính phủ đang giao Bộ Giáo dục và Đại học rà soát lại lộ trình học phí quy định tại 2 nghị định nêu trên. Học phí chiếm 50-60% chi phí đào tạo, nếu không tăng học phí cho khối giáo dục đại học thì rất khó khăn. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị được điều chỉnh như quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP.

Về giá sách giáo khoa, việc giảm giá đã góp phần làm giảm CPI năm 2024 là 0,1 điểm %. Năm học 2024-2025, dự kiến, việc điều chỉnh tăng giá sẽ góp phần tăng từ 0,01-0,04 điểm %. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo ban hành quy định giá sách giáo khoa tối đa theo Luật Giá số 16/2023/QH15. Theo đó, mức trần giữ ổn định, không tăng so với hiện hành để kiểm soát giá sách giáo khoa trong thời gian tới.

Liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với giá vé máy bay, theo đánh giá của Bộ, thời gian qua, đầu quý 2/2024 có tăng nhưng gần đây đã giảm.

Đại diện Bộ Y tế đề xuất lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng đến năm 2025 sẽ tính từng bước chi phí khấu hao.

Trước ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cần có phương án điều chỉnh giá đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. “Các Bộ, ngành cần xây dựng kịch bản điều hành giá, trong đó có đề xuất về thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng chủ lực gồm giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Hạn chót là 30/6/2024 phải có kịch bản để trên cơ sở đề xuất, Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến. Nếu không đảm bảo thời gian và nếu để tác động đến CPI thì các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục bám sát để có phương án điều hành hiệu quả

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, công tác quản lý giá đầu năm chịu nhiều áp lực do nhiều yếu tố. Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, phức tạp, khó lường. Lạm phát có giảm nhưng vẫn neo ở mức cao. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.Trong nước, giá cả chịu áp lực, nhưng vẫn diễn biến theo kịch bản đề ra. Hàng năm theo quy luật, những tháng đầu năm tăng và giảm dần vào tháng 4, tháng 5/2024. CPI so với tháng 12 tăng 1,24%; So với tháng 12/2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023.

“Có được kết quả đó là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá.

Dù vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác điều hành giá vì áp lực lạm phát trong thời gian tới sẽ rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước như: giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp; việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý; tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tăng mạnh... đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Do đó, đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo điều hành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao tại các Thông báo kết luận họp Ban chỉ đạo định kỳ, trong đó tập trung vào những biện pháp như: Chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Việc điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó là sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đặc biệt, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Các cơ quan bộ, ngành cần chú trọng công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. Công khai minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát lạm phát kỳ vọng./.

Mộc Lan


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính