Chiều 9/4, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Bộ ngành Trung ương, các địa phương nhằm triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cuộc họp tập trung vào 2 vấn đề lớn là xử lý tài sản công là nhà, đất và rà soát các dự án, công trình đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu tác động bởi việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Khẩn trương rà soát, sắp xếp nhà, đất công
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã họp và đưa ra kết luận. Theo đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo đã giao Đảng ủy các Bộ ngành ở Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành rà soát, xử lý công trình nhà, đất là tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo sử dụng, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
Đồng thời rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính theo chủ trương của Bộ Chính trị để tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí.
“Liên quan đến chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp hôm nay để lắng nghe ý kiến của các cơ quan trung ương, địa phương phản ánh những kết quả đã triển khai, những khó khăn vướng mắc về các nội dung nêu trên” - Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho hay.
Thứ trưởng gợi ý, tài sản công là những tài sản hiện hữu, đang sử dụng nhưng do sắp xếp nên dôi dư, giờ sắp xếp thế nào. Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã có gợi ý ở nhiều diễn đàn, thứ nhất dôi dư thì ưu tiên sắp xếp, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, nơi không có nhu cầu sử dụng sang nơi có nhu cầu sử dụng theo đúng định mức, tiêu chuẩn, theo mô hình tổ chức đơn vị mới, số lượng biên chế, các vị trí số lượng lãnh đạo mới… Hoặc nếu không có nhu cầu sử dụng tài sản vào làm trụ sở thì điều chuyển sang các mục đích khác như sử dụng cho y tế, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng….
Một nội dung khác nữa theo phản ánh cũng đang gặp nhiều vướng mắc là các dự án đang đầu tư dở dang cần rà soát.
“Đây là hai nội dung Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ theo dõi, xây dựng và tổng hợp thành Đề án theo chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết.
Thứ trưởng thông tin thêm: vừa qua Bộ Tài chính đã có Công văn số 4367 gửi các Bộ, ngành, địa phương về đề cương báo cáo và dự kiến xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản khi sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, tại cuộc họp hôm nay, đề nghị đại diện các bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ bộ theo đề cương đã được Bộ Tài chính hướng dẫn. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung chính: Thứ nhất, thông tin chung về Bộ, ngành, địa phương trước và sau khi sắp xếp (như số lượng đầu mối đơn vị, số định biên và số lượng công chức, viên chức, người lao động thực tế).
Thứ hai, báo cáo về hiện trạng, việc sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở và nhu cầu bổ sung trụ sở (nếu có) khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Đối với 2 nội dung này, cần báo cáo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã thực hiện theo Kết luận số 126 của Bộ Chính trị; giai đoạn 2 thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sắp tới.
Thứ ba, trên cơ sở đánh giá hiện trạng quản lý và nhu cầu sử dụng sau sắp xếp, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đánh giá và đề xuất phương án xử lý đối với các dự án công trình trụ sở đang thực hiện hoặc đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện.
Bám sát thực tiễn, kịp thời gỡ vướng
Tại cuộc họp, đại diện một số Bộ ngành, địa phương đã trực tiếp thông tin về tình hình sắp xếp tài sản, trụ sở cũng như dự kiến nhu cầu sử dụng tài sản, trụ sở của đơn vị hiện nay khi thực hiện sắp xếp bộ máy; nhu cầu thực hiện đối với các dự án công trình, trụ sở chịu tác động của việc sắp xếp đồng thời nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ tình hình.

Quang cảnh cuộc họp tại trụ sở Bộ Tài chính
Nhiều địa phương phản ánh sẽ phát sinh các trụ sở dôi dư khi sắp xếp. Điển hình như hiện tại trụ sở của ủy ban nhân dân quận, huyện trước sắp xếp được xây dựng theo quy mô, biên chế của công chức cấp huyện, sau đó nếu sử dụng làm trụ sở cấp phường, xã thì lại dư tiêu chuẩn, định mức. Nhưng ngược lại với các xã phường còn lại khi sử dụng trụ sở hiện hữu của các xã phường trước đây thì tiêu chuẩn, định mức lại thấp, đây là khó khăn trước mắt khi sắp xếp cơ quan trụ sở nhà nước, tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu”.
Đồng thời, có nhiều ý kiến đề xuất phương án ưu tiên cho việc hoán đổi trụ sở cũng như cần có thủ tục ngắn gọn, đơn giản trong hoán đổi, điều chuyển trụ sở giúp tận dụng cơ bản các trụ sở, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước… Về các dự án đầu tư, hiện nhiều dự án xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan hành chính cũng đã tạm dừng theo chỉ đạo chung.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến việc xử lý tài sản khi có sự thay đổi tổ chức bộ máy, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung quy định về việc xử lý tài sản khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động, trong đó đã quy định cụ thể việc bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công trong từng tình huống.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025 hướng dẫn về xử lý tài sản khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện chính sách sửa đổi về xây dựng tiêu chuẩn, định mức tài sản công và sẽ sớm lấy ý kiến các Bộ ngành địa phương.

Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp
Liên quan đến các dự án đầu tư công đang triển khai trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy có những vướng mắc cần hướng dẫn, ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Tài chính) cho biết, trước đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có văn bản hướng dẫn. Cụ thể là văn bản 259 ngày 10/1/2025 hướng dẫn về chuyển tiếp, quản lý các chương trình nhiệm vụ dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Hiện nay, Vụ đang tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các đơn vị về một văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan đến đầu tư công, cụ thể là các dự án về đầu tư công, kế hoạch đầu tư công cần thực hiện trong quá trình sắp xếp chính quyền địa phương. Đồng thời qua cuộc họp, tiếp tục tiếp thu các ý kiến để bổ sung trong văn bản hướng dẫn sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang được giao chủ trì xây dựng 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có sửa Luật Đầu tư công, Vụ sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến liên quan đến vướng mắc tại các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp bộ máy khi sửa Luật Đầu tư công.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, qua cuộc họp, Bộ Tài chính đã tiếp thu được nhiều ý kiến rất sát với thực tiễn để xử lý vấn đề, điều chỉnh chính sách trong thời gian tới. Đồng thời, Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần làm việc của các bộ ngành, địa phương với những kết quả tích cực ban đầu.
Thu Trang