Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hệ thống CNTT ngành Tài chính: Những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin trong tỉnh  
Hệ thống CNTT ngành Tài chính: Những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc
Trong bối cảnh các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính đang có sự điều chỉnh lớn về tính tập trung, thống nhất, đòi hỏi cần có sự chuẩn hoá, tích hợp và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị CNTT trong toàn ngành. Năm 2012 là thời điểm quan trọng với việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển ngành tài chính, Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015. Để đánh giá về kết quả triển khai công tác ứng dụng CNTT và thống kê trong giai đoạn vừa qua, trao đổi các giải pháp triển khai KH đến 2015 và định hướng đến năm 2020, ngày 23/8/2012, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai công tác ứng dụng CNTT và Thống kê tài chính giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và truyền thông.
 
Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN
Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cho đến nay, hệ thống tin học tài chính đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, nâng cao đáng kể khả năng xử lý thông tin của ngành. CNTT không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: lập và điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu-chi NSNN; thanh toán điện tử và quản lý tín, trái phiếu kho bạc; quản lý thuế; triển khai các luật thuế quan trọng: thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp; triển khai thủ tục hải quan điện tử; cùng các nhiệm vụ khác của ngành: lĩnh vực quản lý công sản, quản lý giá và quản lý nội ngành.
 
Theo Thứ trưởng, trong điều kiện hội nhập và hoàn thiện lại hệ thống chính sách, giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi sang các mô hình quản lý mới, đặc biệt đây là giai đoạn tích hợp hệ thống, trao đổi và chia sẻ thông tin. Để đảm bảo triển khai thành công, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, hệ thống tin học ngành tài chính cần lưu ý, tập trung thực hiện các công việc sau: Đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT; Nâng cao hiệu quả sử dụng chương trình ứng dụng dùng chung, đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình mới để kịp thời thích ứng, đảm bảo tính sẵn sàng với những thay đổi của nghiệp vụ, từng bước tiến tới chuẩn hóa các hoạt động tác nghiệp của ngành; Đẩy mạnh triển khai hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nghiên cứu để đưa ra phương án nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin hợp nhất của ngành; Thực hiện đầu tư đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị trong ngành đảm bảo tuân thủ thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật, có khả năng trao đổi với các hệ thống trong và ngoài nước theo chuẩn quốc tế. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phải tính đầy đủ yếu tố dự phòng và an ninh, an toàn hệ thống; Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ cho Lãnh đạo trong việc phân tích, thống kê số liệu, khai thác tối đa hiệu quả sử dụng các kho dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phải đồng bộ với việc xây dựng các công cụ khai thác dữ liệu; ban hành các quy chế về truy cập, khai thác thông tin; đảm bảo việc cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ kịp thời việc ra quyết định và hoạch định cơ chế chính sách. Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh cũng đề nghị tất cả các đơn vị trong ngành tài chính cần coi việc hiện đại hoá hệ thống thông tin tài chính là cốt lõi của sự nghiệp hiện đại hoá ngành tài chính và phối hợp tốt với hệ thống tin học tài chính để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên.
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HV
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Minh Hồng cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã sớm tổ chức triển khai ứng dụng CNTT thông qua các chiến lược định hướng cũng như các kế hoạch cụ thể. Nhiều ứng dụng CNTT đã phát huy được hiệu quả, được người dân, DN hoan nghênh do tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính như nộp thuế, khai hải quan. Trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính luôn được xếp hạng trong nhóm dẫn đầu các ngành về mức độ ứng dụng CNTT và là một trong hai Bộ duy nhất có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao nhất.
 
Đánh giá về kết quả triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2005-2010, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê Tài chính, Bộ Tài chính - Đặng Đức Mai cho biết, ngành Tài chính đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo tin học hoá toàn bộ các quy trình nghiệp vụ; hỗ trợ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cung cấp số liệu kịp thời, đẩy đủ, chính xác cho công tác thống kê và phân tích, dự báo. Mở rộng các dịch vụ điện tử phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội và công dân. Đến năm 2010 thông tin ngành Tài chính phải đạt trình độ tương ứng với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hải quan bắt kịp chuẩn hội nhập khu vực vào năm 2006. Ngoài ra, toàn bộ các quy trình nghiệp vụ cơ bản của ngành được tin học hoá đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quản lý.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HV
Ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính có thể phân thành 3 nhóm: Ứng dụng phục vụ hoạt động nghiệp vụ; ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng phục vụ hoạt động nội bộ. Trong ứng dụng phục vụ các hoạt động nghiệp dụng, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc hợp nhất (TABMIS) là hệ thống thông tin cốt lõi của ngành Tài chính, là một cấu phần chính trong Dự án Cải cách quản lý tài chính của Chính phủ Việt Nam. Đối với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cổng Thông tin điện tử là phương tiện truyền thông hiện đại tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tài chính và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, tạo lập kênh cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, Cục trưởng Đặng Đức Mai nêu rõ.
 
Cục trưởng Đặng Đức Mai cho biết, nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2011-2015 cần phải thực hiện đó là: Xây dựng, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử toàn ngành Tài chính; xây dựng hệ thống trao đổi thông tin điện tử tập trung toàn ngành Tài chính đảm bảo khả năng kết nối trong nội bộ ngành và với các cơ quan hữu quan, các bên liên quan, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính đảm bảo cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính từ mức độ 2 trở lên, cung cấp 30 dịch vụ công cơ bản của Bộ Tài chính trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tới người dân và doanh nghiệp; công khai và tạo điều kiện cho DN tiếp cận các thông tin liên quan đến DN về thuế, hải quan; triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả trong giao dịch một cửa, một cửa liên thông tại các trụ sở giao dịch của các đơn vị các cấp thuộc Bộ Tài chính; thiết lập kênh tiếp nhận ý kiến hỏi đáp, góp ý của người dân trên môi trường mạng, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về nghiệp vụ của Bộ Tài chính; thiết lập trung tâm dịch vụ khách hàng cho các dịch vụ công phục vụ người dân và DN, đơn vị có quan hệ với ngân sách của Bộ Tài chính; tổng kết thí điểm hệ thống cung cấp giá trị gia tăng (VAN) thuế, hải quan và tổ chức triển khai mở rộng.
 
TN