Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư công

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư công

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, ngành cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành (DAHT), quản lý vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG), chi phí quản lý dự án (QLDA).

Ảnh minh họa: Chuẩn bị mặt bằng cho dự án mở rộng đường giao thông. Ảnh: MT

Vẫn còn tình trạng chậm phê duyệt quyết toán DAHT

Theo đó, báo cáo cho biết về công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành: Cơ bản các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện đúng quy định thời gian quyết toán DAHT; tuy nhiên, ở cấp huyện, cấp xã một số Ban QLDA, vẫn còn tình trạng chậm lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán DAHT. Một số hồ sơ của các đơn vị chủ đầu tư, ban QLDA lập chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính; Một số báo cáo kết quả thẩm tra quyết toán của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán còn sơ sài, còn lưu bản photocopy, chưa đảm bảo quy định; còn có quyết định phê duyệt quyết toán của cấp có thẩm quyền chưa đúng mẫu số 11/QTDA quy định tại Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính.

Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do: Thủ trưởng một số đơn vị (nhất là cấp huyện, xã) chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác QTDAHT; Chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, mẫu biểu, hồ sơ QTDAHT quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, ban QLDA và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác QTDAHT xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian QTDAHT (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán). Kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các chủ đầu tư vi phạm như: Công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác quyết toán DAHT; Công khai danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán; Chủ đầu tư, ban QLDA và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán DAHT theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính để giảm tồn đọng QTDAHT hằng năm; Ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân sự, vật chất) cho công tác thẩm tra QTDAHT, trên cơ sở kết quả QTDAHT, xác định công nợ để ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm cho dự án.

Bất cập trong quản lý vốn đầu tư các CTMTQG

Về quản lý vốn đầu tư các CTMTQG: Vẫn còn địa phương bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; mẫu biểu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm chưa đúng quy định tại Mẫu số 01/PB ban hành kèm theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, nhiều địa phương còn chưa phân bổ vốn hết kế hoạch vốn thuộc các CTMTQG cho các dự án cụ thể; Một số địa phương phân bổ vốn cho các dự án không đúng đối tượng quy định tại Luật Đầu tư công, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Phân bổ vốn đầu tư cho các dự án chỉ thực hiện "sửa chữa"; phân bổ vốn đầu tư NSTW hỗ trợ vượt định mức quy định.

Chỉ ra những nguyên nhân gây ra tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện các CTMTQG còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, phải bổ sung, điều chỉnh, chưa đáp ứng được thời gian; một số địa phương chưa tuân thủ các quy định về bố trí vốn cũng như mức hỗ trợ tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo đúng thời gian quy định và mẫu biểu theo đúng quy định tại Mẫu số 01/PB ban hành kèm theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ; Rà soát việc bố trí vốn đầu tư công cho các dự án thực hiện các CTMTQG phải đảm bảo theo đúng quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và phải đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung, mức hỗ trợ quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, thực hiện bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương cho các CTMTQG đảm bảo theo đúng quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục giải ngân, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật

Về công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công (ban QLDA).

Nhiều Ban QLDA là đơn vị SNCL chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính năm 2023 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; vẫn còn tình trạng thực hiện chưa phù hợp với quy định như: Cơ quan quản lý cấp trên (UBND tỉnh, huyện) phê duyệt dự toán chi phí quản lý dự án năm 2023 của ban QLDA (trong khi đã phê duyệt phương án tự chủ tài chính từ năm 2022); Xác định số tiền để lập dự toán và trích lập các quỹ tại ban QLDA còn chưa đúng quy định hiện hành; Ban hành quy chế chi tiêu nội bộ trong 2023 khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên và không xác định được thời gian gửi lấy ý kiến của cơ quan này; Một số chứng từ kế toán còn chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, như: thiếu ngày, tháng, năm lập chứng từ, thiếu chữ ký trên chứng từ....Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư, ban QLDA, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan chưa cập nhật đầy đủ cơ chế chính sách mới, vẫn thực hiện theo chế độ chính sách cũ.

Đồng thời, để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban QLDA, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban QLDA sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính: số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 và số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021.

ĐT


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính