Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra nợ công

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra nợ công

Ngày 19/7/2024, tại Thanh Hóa, Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra nợ công năm 2024”. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức của một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính Thanh Hóa, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Nhiều tiến bộ trong tuân thủ các quy định của Luật Quản lý nợ công

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 cùng với các văn bản hướng dẫn đã thay đổi cơ bản về chính sách quản lý nợ công, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay.

Ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp về quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nợ công được ban hành năm 2017 của Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại xác định công tác phối hợp giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nợ công là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Trong những năm qua hai đơn vị đã tích cực, chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý nợ công. Nhờ đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc quản lý nợ công đã được tăng cường, duy trì hàng năm, từng bước được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng”, ông Trường nói.

Trình bày một số kết quả nổi bật về công tác phối hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực quản lý nợ công, ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đến nay, sau 07 năm thực hiện Quy chế phối hợp, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công ngày càng được nâng cao. Bước đầu đã phát hiện và xử lý kịp thời các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn vay nợ nước ngoài đồng thời có nhiều đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ Chính phủ bảo lãnh.

Đồng thời, thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh được Thanh tra Bộ chủ động cung cấp ngay sau khi ban hành Kết luận Thanh tra, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, giám sát của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Các kiến nghị qua công tác thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng và trả nợ vay nước ngoài của các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án, chủ đầu tư đã được thanh tra, kiểm tra.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tiếp cận những thông lệ tiên tiến của quốc tế, góp phần hệ thống hóa văn bản pháp luật phục vụ việc lập kế hoạch, quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; giúp Chính phủ thống nhất đầu mối quản lý nợ công

Theo TS. Hà Thị Đoan Trang, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, việc quản lý nợ công ngày càng có xu hướng chặt chẽ thể hiện ở việc sử dụng hiệu quả các khoản vay, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Công tác điều hành đã tiếp tục tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thực hiện nguyên tắc đánh giá tác động nợ công của các khoản vay mới, không sử dụng vốn vay cho mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng. Bên cạnh đó, các khoản vay mới nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài tập trung các lĩnh vực chủ chốt như: giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục…

Quản lý tốt nợ công sẽ giúp tránh được rủi ro về kinh tế vĩ mô

Tại Hội thảo, nội dung thực trạng nợ công tại Việt Nam, vấn đề rủi ro tài khóa; làm thế nào để quản lý nợ công hiệu quả thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự.

Toàn cảnh Hội thảo

Phân tích các vấn đề về chi phí vốn vay, phạm vi nợ công và trần nợ công, tình hình giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, năng lực quản lý nợ của chính quyền địa phương, TS. Hà Thị Đoan Trang, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, nợ công tăng thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội của quốc gia sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn nếu được quản lý tốt. Ngược lại, nếu không được quản lý tốt thì nợ công có thể gây ra những rủi ro về gánh nặng nợ trong tương lai, khủng hoảng tài chính, tác động tiêu cực đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đại diện Học viện Tài chính nêu quan điểm, quản lý vay nợ, nợ công là bộ phận cấu thành của quản lý tài chính công. Do vậy, hiệu quả hoạt động quản lý nợ công cũng cần được nhìn nhận gắn với các mục tiêu quản lý tài chính công: kỷ luật tài khoá; hiệu quả phân bổ; hiệu quả hoạt động.

Đề cập đến những vấn đề rủi ro tài khóa trong quản lý ngân sách và nợ công, TS. Nguyễn Như Quỳnh,Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, năm 2024, chính sách tài khóa được mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời, đảm bảo bền vững tài chính – ngân sách.

Dù hầu hết các tổ chức trong và ngoài nước đều dự báo kinh tế Việt Nam có cải thiện hơn so với năm 2023, tăng trưởng GDP khoảng 5,5-6,5% và lạm phát ở mức 3,4-4,5% song với độ mở nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn chịu nhiều rủi ro, áp lực từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính cũng đã đưa ra một số giải pháp điều hành tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh tài chính công trong thời gian tới.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi và giải đáp các ý kiến tham gia tại Hội thảo

Kết luận Hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá cao sự tích cực, sôi nổi thảo luận, tham luận của các đại biểu tham dự, sự phối hợp tích cực của Thanh tra Bộ, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và các đơn vị liên quan trong thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra quản lý nợ công đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phối hợp này trong thời gian tới.

Theo ông Long, nợ công của Việt Nam có đặc điểm mang tính lịch sử và mang tính thời điểm, khác với nhiều nước khác. Cơ chế quản lý và cách tiếp cận nợ của Việt Nam có điểm khác với các nước, trong đó, cơ quan quản lý nợ tại Việt Nam ngoài việc huy động vốn, tạo danh mục, cấu trúc nợ hợp lý, còn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay. Đây chính là nguyên nhân của việc cần phải thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Bộ Tài chính.

Theo Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, trong đó đang vươn tới những thông lệ tốt về quản lý nợ. Nhiều thông lệ tốt về nợ công đã được đưa vào Luật Quản lý nợ công như công cụ quản lý nợ trung hạn, biện pháp đề phòng rủi ro,… song còn nhiều điểm phải nghiên cứu. Do đó, các đơn vị có liên quan đến công tác này cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng nhau để công tác này ngày càng có hiệu quả…

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính báo cáo một số kết quả  trong
công tác phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra nợ công

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính trình bày 
tham luận về rủi ro tài khóa và vấn đề đặt ra với ngân sách và nợ công

TS. Hà Thị Đoan Trang, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, nợ công tăng thêm nguồn lực để thực hiện
mục tiêu thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội của quốc gia sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn nếu được quản lý tốt

HP​


Sở Tài chính