Skip Ribbon Commands
Skip to main content

"Không phải giao tự chủ tài chính thì không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí"

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
"Không phải giao tự chủ tài chính thì không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí"

Đây là một trong những nội dung được ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra tại Bộ Tài chính sáng nay (11/11/2022). Cổng TTĐT xin dẫn lại chi tiết nội dung cuộc trao đổi.

Ông Nguyễn Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp trả lời phỏng vấn

PV: Xin ông cho biết một số điểm mới tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL so với các quy định trước đây?

Ông Nguyễn Trường Giang: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), đây là chủ trương lớn để triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương năm 2017. So với các Nghị định đã ban hành trước đây, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có một số điểm mới.

Trước hết, cơ chế tiền lương với các đơn vị SNCL được khuyến khích theo hướng tiếp cận với các doanh nghiệp nhà nướcCác đơn vị tự chủ càng cao (tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên) sẽ được hưởng mức lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp. Tất nhiên, mức độ tự chủ mà thấp hơn sẽ tự chủ tiền lương thấp hơn nhưng tinh thần là đều khuyến khích các đơn vị sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, quy định tách bạch rõ giữa nhiệm vụ đơn vị SNCL trong cung cấp dịch vụ công phục vụ nhà nước và dịch vụ công theo yêu cầu xã hội. Trước đây nguồn lực tài chính thường tập hợp chung nên bị lẫn lộn giữa ngân sách nhà nước và nguồn thu của đơn vị. Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định tách riêng nhiệm vụ nhà nước giao, thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công cho nhà nước thì phải thực hiện theo định mức, ngoài ra, các đơn vị được sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để cung cấp dịch vụ công cho xã hội theo hướng hạch toán đầy đủ chi phí, đóng góp thuế theo quy định và nếu có chênh lệch thì được bổ sung cho nhiệm vụ chính trị  bổ sung thu nhập cho người lao động.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ cơ sở pháp lý trong việc sử dụng tài sản công trong liên doanh, liên kết. Trước đây, việc sử dụng tài sản công trong liên doanh, liên kết chưa có cơ sở pháp lý. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 151 hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công trong đó quy định rõ trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong sử dụng tài sản công khi cung cấp dịch vụ công thành lập pháp nhân và không thành lập pháp nhân cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Dẫn chiếu quy định tại Nghị định 151, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định cho phép các đơn vị SNCL được sử dụng tài sản để cung cấp dịch vụ công cho xã hội theo nguyên tắhiệu quả.

Đồng thời, Nghị định cũng gắn giao quyền tự chủ với khả năng tự chủ của đơn vị. Đơn vị tự chủ càng cao về tài chính, nguồn thu thì càng được giao nhiều quyền tự chủ hơn, tức là khuyến khích các đơn vị tăng thu để được quyền tự chủ cao hơn.

Ngoài ra, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định rõ cơ chế giá cung cấp dịch vụ. Trước đây, đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công thường giá cung cấp dịch vụ công chưa được tính đủ chi phí, dẫn đến thực tế các đơn vị sự nghiệp công không thu đủ bù đắp chi phí cần thiết.

Nghị quyết 19-NQ/TW quy định rõ, sau năm 2021, tiến tới tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao trong giá dịch vụ công đối với cả lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế. Chúng tôi nghĩ đây là đổi mới rất căn bản. Nếu thực hiện được lộ trình này, tất cả các đơn vị sự nghiệp công trong đó có cả giáo dục, y tế, đều có nguồn thu bù đắp được các chi phí cần thiết. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19lộ trình này hiện nay đang bị chậm, cần được đẩy nhanh.

Một vấn đề đặt ra là khi tăng giá dịch vụ công, sẽ có một số đối tượng trong xã hội bị ảnh hưởng, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ trực tiếp một số đối tượng như đối tượng chính sách, vùng cao, người già, người yếu thế,... trong sử dụng dịch vụ công, chẳng hạn như cấp không thẻ bảo hiểm y tế, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho họ mua những dịch vụ công thiết yếu.

Hiện nay, chúng ta cung cấp giá dịch vụ công thấp hơn chi phí tức là đang hỗ trợ cào bằng cho cả người giàu, người nghèo đều được hưởng cùng mức hỗ trợ như nhau. Việc tăng chi phí dịch vụ công để đủ bù đắp chi phí cần thiết góp phần đảm bảo công bằng, thể hiện ở việc người có điều kiện thì đóng đủ chi phí cung cấp dịch vụ công, người yếu thế được xã hội bù đắp, hỗ trợ chi phí cung cấp dịch vụ công.

PV: Một số đơn vị thí điểm trong thời gian qua cũng đã cho thấy vài bất cập trong việc thực hiện Nghị định này. Theo ông, những sửa đổi, bổ sung sắp tới đây có những điểm gì khắc phục được tình trạng này?

Ông Nguyễn Trường Giang: Lẽ ra Nghị định 60 được ban hành sẽ được thực hiện ngày từ tháng 6/2021, song do tác động của dịch covid-19, tất cả các đơn vị SNCL bị ảnh hưởng nguồn thu. Do vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội lùi lộ trình cải cách tiền lương. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ lùi lộ trình thực hiện Nghị định 60 sau một năm, tức là sẽ bắt đầu từ năm 2023.

Tuy vậy, khi triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP, qua lấy ý kiến một số Bộ, ngành, địa phương, chúng tôi thấy có một số điểm cần trao đổi, ví dụ: Nghị quyết số 19-NQ/TW đưa ra yêu cầu lộ trình tính đủ giá chi phí cung cấp dịch vụ công sau năm 2021. Đối với lĩnh vực dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, cũng phải xây dựng giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao và chi phí quản lý. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lộ trình này chưa đạt kế hoạch đề ra.

Về nguyên tắc, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có thu đủ bù chi. Muốn các đơn vị sự nghiệp phát triển khi cung cấp dịch vụ công thì phải đảm bảo thu bù chi, tương xứng với dịch vụ cung cấp, nhưng chi phải trong định mức và có sự giám sát của cơ quan liên quanTăng tự chủ phải tăng trách nhiệm giải trình, khi tăng giá phải đảm bảo tăng chất lượng dịch vụ cung cấp.

Vừa qua, một số bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin Chính phủ không tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 19/5/2019 về tự chủ toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên để quay lại tự chủ chi thường xuyên như trước khi thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TWThực tế, hai bệnh viện này được Chính phủ cho thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ về tài chính gồm tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên trong 2 năm theo Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 19/5/2019 của Chính phủ. Đây là tự chủ toàn bộ chứ không phải không tự chủ. Trước đây, khi chưa thực hiện theo Nghị quyết số 33/NQ-TW, hai đơn vị này vẫn thực hiện tự chủ theo Nghị định 43 (tự chủ chi thường xuyên).

Việc các cơ sở tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên cho rằng khi tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì không được nhà nước hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, đầu tư tài sản là chưa đúng. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng không quy định như vậy mà chỉ quy định khi nhà nước giao nhiệm vụ thì nhà nước sẽ bố trí tương xứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, đối với các đơn vị tự chủ toàn bộ (cả chi đầu tư, chi thường xuyên), ví dụ như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K trong trường hợp nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở A, trang bị máy B mà theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao. Nội dung này đã được thể hiện tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nhưng tới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị yên tâm trong triển khai thực hiện.

PV: Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về quy định sử dụng Quỹ phát triển sự nghiệp để trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác. Ý kiến của cơ quan soạn thảo về nội dung này thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Giang: Hiện nay, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng như các Nghị định trước đây giao quyền cho đơn vị sự nghiệp được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm, tăng cường trang thiết bị đổi mới kỹ thuật để nâng cao năng lực, tuy vậy, việc có được sử dụng quỹ này để mua phương tiện đi lại (ô tô) hay không đang được hiểu chưa thống nhất. Kỳ này, theo hướng phân cấp phân quyền tự chủ cho các đơn vị, chúng tôi cũng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn với các đơn vị có nguồn thu, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đủ để mua sắm tài sản, trang thiết bị cần thiết trong đó có ô tô sẽ được mua theo đúng định mức quy định của Chính phủ.

Chúng tôi cho rằng, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng và việc tổ chức thực hiện Nghị định cũng quan trọng không kém, cần sự chung sức của chính quyền các cấp, đặc biệt là lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Trong thẩm quyền được giao, các đồng chí cần thể chế hoá các quy định, tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tự chủ. Các đơn vị sự nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Đơn vị tự chủ nhưng phải có sự giám sát của tập thể cán bộ công chức trong đơn vị và toàn xã hội thì tự chủ mới thành công.

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính