Chiều 02/02, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ, Văn phòng Chính phủ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự và trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì họp báo - Ảnh: VGP
Mở đầu họp báo, nhân dịp Xuân mới 2023, Bộ trưởng Trần Văn Sơn trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự họp báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 01 năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 01, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 02 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức đón Tết nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả; tạo không khí hân hoan, tinh thần phấn chấn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và thời gian tới.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt tổ chức Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phong phú, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; các lực lượng tổ chức ứng trực đầy đủ, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, qua đó ngăn ngừa tai nạn giao thông và các vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội. An sinh xã hội được quan tâm; đã hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng; có nhiều hành động, hình ảnh đẹp thể hiện tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của các chiến sỹ lực lượng vũ trang quân đội, công an; nhiều cách làm mới, sáng tạo mang tính nhân văn, nghĩa tình sâu sắc như quán ăn miễn phí, chuyến xe 0 đồng, chợ 0 đồng, cửa hàng 0 đồng...
Trong dịp Tết, với tinh thần quyết tâm cao, các dự án lớn, công trình trọng điểm quốc gia vẫn tiếp tục được triển khai (chỉ nghỉ ngày 30 và mồng 1 Tết); thậm chí nhiều công trình làm việc xuyên Tết. Ngay trong và sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tại một số địa phương.
Về tình hình KTXH, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cho rằng: Triển khai các kết luận của TW, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về KTXH năm 2023 và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01. Với tinh thần đó, mặc dù số ngày làm việc chỉ bằng 2/3 bình thường (do thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), KTXH tháng 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu NSNN đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD; An ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh của thị trường quốc tế. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Thủy sản đạt trên 593 nghìn tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20% so năm 2022. Có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là: (1) Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; (2) Sức ép lạm phát còn cao; (3) Lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; (4) Thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập; (5) Các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; (6) Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); (7) Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; (8) Thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; (9) Việc triển khai một số chính sách của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trả lời phóng viên các cơ quan báo chí tại Họp báo
Trả lời câu hỏi về tiến độ xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, đã xin ý kiến của các bộ ngành, các tổ chức, các chuyên gia, kể cả các tổ chức quốc tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ. Dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới.
“Với tiến độ và các bước triển khai như vậy, Bộ Tài chính kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung Nghị định mới để các quy định của chúng ta thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời chúng ta cũng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp”. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
GH