Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
“Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”

Đó là chủ đề của Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2023 (VDF-2023) được Cục Tin học và Thống kê Tài chính (TH&TKTC) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức vào sáng 21/9 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo - Triển lãm VDF-2023 có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các ngân hàng thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại diện các hiệp hội; Đại diện một số Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT và kinh tế số và đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Cục trưởng Cục TH&TKTC Nguyễn Việt Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính là yếu tố “then chốt” trong chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục TH&TKTC, Bộ Tài chính cho biết, ngày 04/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, năm 2023, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia với 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Ông Nguyễn Việt Hà cho biết, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Ngày 12/4/2023, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 777/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2023. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Chỉ đạo thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng thuế điện tử; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để chống các hình thức chuyển giá, chuyển thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế các nền tảng số, dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới; tổng hợp, hướng dẫn, bố trí kinh phí cho các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2023, hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình chuyển đổi số toàn diện .

Ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh: Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số của ngành tài chính nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Chính vì vậy việc tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2023 với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững” là rất cần thiết và kịp thời. Đây cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý tài chính - ngân sách nhà nước. Ông Hà đề nghị tại Hội thảo này quý vị đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: Đánh giá một số kết quả, tồn tại, hạn chế chuyển đổi số của ngành Tài chính đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số; đề xuất các giải pháp nhằm huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số; chia sẻ các giải pháp trao đổi thông tin, thu thập số liệu, phân loại, làm sạch dữ liệu, xây dựng và phân tích cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính.

Tìm giải pháp để triển khai hiệu quả việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn

Phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm VDF-2022 TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị nói chung và trong chuyển đổi số nói riêng. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang xây dựng Báo cáo giám sát 4 năm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, vì vậy, ông Hiển tin tưởng với kinh nghiệm thực tiễn của Bộ Tài chính sẽ có giá trị tham khảo tốt cho các bộ, ngành.

Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp DVC; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan: 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia

image

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Ông Hiển đề nghị: Tại diễn đàn Tài chính số năm nay, các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương thảo luận, làm rõ kết quả chuyển đổi số chính của ngành Tài chính đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, giải pháp hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính; giải pháp để triển khai hiệu quả việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn về thị trường chứng khoán, về các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực tài chính; cũng như việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính.

image

Toàn cảnh hội thảo

 

Hội thảo triển lãm VDF-2023 gồm Phiên Toàn thể và 02 phiên chuyên đề. Tại đây, các diễn giả, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong và ngoài nước sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan tới đổi mới quản lý thuế trong nền kinh tế số; tối ưu hóa dữ liệu số trong chuyển đổi số ngành tài chính, từ đó đưa ra những quan điểm mới, khuyến nghị các giải pháp mang tính đột phá nhằm xây dựng hệ thống tài chính số công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

image

Cục trưởng Cục TH&TKTC Nguyễn Việt Hà cùng các đại biểu và chuyên gia thăm quan gian hàng

Bên cạnh đó, Triển lãm VDF-2023 còn có các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như công nghệ về lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

HD


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính