Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính cần kịp thời phát hiện những sơ hở yếu kém để khắc phục”

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
“Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính cần kịp thời phát hiện những sơ hở yếu kém để khắc phục”

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khi đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa được Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức vào sáng ngày 26/12.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát huy vai trò của đầu tàu

Khai mạc Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thiệu cho biết, trong năm qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ động phát huy vai trò tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ Tài chính quản lý về công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Tài chính; Xây dựng, kiện toàn thể chế tổ chức, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong phối hợp, triển khai thực hiện nhiệm vụ trong toàn ngành Tài chính.

Năm 2024, sau khi có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ đã trình Bộ và có văn bản số 1239/TTr-KHTH ngày 30/10/2023 gửi các đơn vị hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024.

Theo đó, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024 theo quy định. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, để tránh trùng lặp, chồng chéo trong công tác kiểm toán, thanh tra, đến ngày 30/11/2024 các đơn vị đã trình Bộ ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2024 theo quy định.

Cũng trong năm 2024, do yêu cầu mới trong công tác thanh tra nên Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 10 hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, quy định mới, chia sẻ kinh nghiệm về công tác thanh tra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ luôn phối hợp với các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính thường xuyên, tích cực trao đổi về kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra.

Quang cảnh Hội nghị

Tháng 8/2024, Bộ Tài chính (Thanh tra Bộ Tài chính) đã phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ khẩn trương mở lớp, hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho 143 công chức thuộc 05 Cục thuộc Bộ Tài chính được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Đến nay, cơ bản các đơn vị đã có công chức đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; và làm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành.

Đáp ứng kịp thời, hiệu quả

Đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, công tác thanh tra đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Trong năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ đã thực hiện 72.021 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 663.032 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và xử lý 16.390 vụ việc chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 115.320 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 14.581,3 tỷ đồng.

Trong đó, Thanh tra Bộ triển khai thực hiện 29 cuộc thanh tra và 02 cuộc kiểm tra theo kế hoạch; lưu hành 37 kết luận thanh tra; 11 báo cáo kết quả kiểm tra, biên bản kiểm tra. Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 17.888.613 triệu đồng, trong đó kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 2.856.365 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính 15.030.309 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.939 triệu đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 393.327 triệu đồng.

Công tác tiếp dân cũng được Thanh tra Bộ Tài chính chú trọng giải quyết. Năm 2024, Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 711 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào các ngày làm việc trong tuần tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài việc tiếp dân, hàng ngày Thanh tra Bộ đều cử cán bộ trực đường dây nóng để tiếp nhận các cuộc gọi, hướng dẫn, giải thích thỏa đáng cho công dân đồng thời khẩn trương chuyển thông tin tiếp nhận đến các đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết ngay trong ngày.

Công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư cũng được tiến hành kịp thời, khẩn trương. Năm 2024, Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận 9.883 đơn; số đơn đủ điều kiện xử lý 8.534 đơn (gồm: 1.700 đơn khiếu nại, 2.647 đơn tố cáo, 4.187 đơn kiến nghị, phản ánh); trong đó có 5.287 đơn thuộc thẩm quyền, 3.140 đơn không thuộc thẩm quyền). Bộ Tài chính đã tiếp nhận 1.700 đơn khiếu nại, trong đó có 1.339 đơn việc thuộc thẩm quyền. Các đơn thư đều được thực hiện xác minh, kết luận chính xác, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đúng thời gian quy định; đôn đốc, tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài việc trực tiếp thụ lý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, Thanh tra Bộ còn nhiều lượt ý kiến tham gia tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục QLGS Kế toán, kiểm toán, Cục Kế hoạch tài chính, Cục Quản lý giá,Cục Công sản, Vụ Tổ chức cán bộ...) xem xét, xử lý, giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường khẳng định sẽ cụ thể hoá

ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng vào chương trình hành động năm 2025

Cùng với các công tác trên, Thanh tra Bộ đã chủ động, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện thống nhất về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhờ đó, công tác này của Bộ Tài chính đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực được các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đều đánh giá cao vai trò "đầu tàu", đồng hành của Thanh tra Bộ Tài chính với các đơn vị. Thanh tra Bộ đã tích cực phối hợp, hướng dẫn các đơn vị trong Ngành, nhờ đó, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí trong toàn Ngành ngày càng nâng cao. Các đơn vị mong muốn Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thành nhiệm vụ được Bộ giao. “Nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo tận tình về công tác thanh tra nên Cục Quản lý Công sản đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” – Đại diện Cục Quản lý Công sản nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá, năm 2024, công tác thanh tra tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của tập thể cán bộ công chức Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, kết quả này góp phần xứng đáng vào thành công chung của toàn ngành.

Thứ trưởng cho rằng, công tác của Bộ Tài chính ngày càng khó khăn và đòi hỏi các CBCC toàn ngành phải nỗ lực, phát huy hết khả năng của bản thân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

“Hiện nay, chúng ta phải dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Tài chính phải quyết tâm xây dựng tốt các chính sách, đưa ra các giải pháp để quản lý tốt các hoạt động kinh doanh tài chính. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của tiền kiểm và hậu kiểm” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ đạo về phương hướng công tác thanh tra, kiểm tra năm tới, Thứ trưởng cho rằng, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải tiếp tục là cộng cụ đắc lực, giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong quản lý tài chính - ngân sách; đề xuất, tham mưu, kiến nghị với Lãnh đạo Bộ nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu Thanh tra Bộ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ trong công tác thanh tra. Đồng thời, chủ động phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trên các mặt thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí... tập huấn cho toàn Ngành. Đồng thời, phối hợp bám sát các văn bản hướng dẫn Luật Thanh tra và các hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ để tham mưu, trình Bộ kịp thời triển khai; phối hợp xây dựng Luật Tiết kiệm chống lãng phí...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường khẳng định sẽ cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng vào chương trình hành động năm 2025.

"Với tinh thần các công việc đã làm tốt sẽ làm tốt hơn nữa, các công việc đã khẩn trương sẽ khẩn trương hơn nữa, thanh tra ngành Tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực, phối hợp thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ chung của Ngành", Chánh Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định./.

Kim Chung​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính