Sáng 27/12, tại Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo phổ biến nghị định 153/2024/NĐ-CP của Chínhphủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Hưng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các bộ ngành, tập đoàn… liên quan tới khí thải.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Hưng chủ trì Hội thảo
Những quy định mới về thu phí đối với khí thải
Trình bày về những điểm mới trong Nghị định 153/2024/NĐ-CP (Nghị định 153) quy định về phí môi trường đối với khí thải, Bà Lê Thị Loan – Trưởng phòng thuế, phí và lệ phí (Cục Quản lý, giám sát thuế, phí và lệ phí) cho biết, Nghị định 153 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2025 và những quy định trong Nghị định này hoàn toàn mới vì sau quy định thu phí đối với nước thải thì nay mới có quy định đối với khí thải.
Theo Nghị định, đối tượng chịu phí BVMT đối với khí thải là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (sau đây gọi chung là cơ sở xả khí thải).
Cơ sở xả khí thải theo quy định tại Nghị định này bao gồm: Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); Cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết); Cơ sở lọc, hoá dầu; Cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Cơ sở sản xuất than cốc; sản xuất khí than; Nhà máy nhiệt điện; Cơ sở sản xuất xi măng; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh khí thải công nghiệp không thuộc các quy định trên.
Nghị định 153 quy định công thức tính chi tiết cho từng đối tượng gồm các cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc và cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc.
Bà Lê Thị Loan – Trưởng phòng thuế, phí và lệ phí giới thiệu về những điểm mới trong Nghị định 153/NĐ-CP
Những cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải sẽ có mức phí cố định là 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì số phí sẽ được tính theo tháng. Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.
Đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải thì ngoài mức thu phí cố định sẽ còn tính mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như bụi và khí oxit nito NOx (gồm NO2 và NO) sẽ có mức phí là 800 đồng/tấn/giờ, khí Lưu huỳnh (SOx) sẽ có mức phí là 700 đồng/tấn/giờ, Khí Carbon monoxide (CO) sẽ có mức phí là 500 đồng/tấn/giờ.
Nghị định quy định mốc thời gian nộp phí là ngày 20 của tháng đầu tiên trong quý đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải. Đối với cơ sở xả khí thải mới không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải phải nộp nộp phí cho tổ chức thu phí chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo của tháng bắt đầu đi vào hoạt động. Số phí phải nộp được tính cho thời gian từ tháng tiếp theo của tháng bắt đầu đi vào hoạt động đến hết năm dương lịch (hết ngày 31/12 của năm bắt đầu hoạt động).
Trường hợp cơ sở xả khí thải đang hoạt động (không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải) trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành. Từ năm tiếp theo, người nộp phí nộp phí một lần cho cả năm, thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hằng năm.
Về hình thức nộp phí, người nộp phí nộp hồ sơ theo một trong các hình thức như nộp trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (hoặc cơ quan được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giao tiếp nhận Tờ khai phí); Nộp qua bưu chính; Nộp qua môi trường điện tử trong trường hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép và đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử, chữ ký số, văn bản điện tử.
Toàn cảnh Hội thảo
Còn các trường hợp bị truy thu hoặc tiền chậm nộp phí sẽ nộp vào tài khoản chuyên thu phí của tổ chức thu phí mở tại tổ chức tín dụng; Nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp phí qua tài khoản của cơ quan, tổ chức nhận tiền khác với tổ chức thu phí.
Đề cập đến các hình thức thu phí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Chính sách thuế, phí và lệ phí Nguyễn Thành Hưng cho biết, để giảm thiểu thu tục hành chính cho cơ quan thu phí và người nộp phí, Nghị định quy định rõ những trường hợp giống phí thẩm định thì cơ sở thu phí không phải ra quyết định thu phí. Trường hợp không đúng phí thẩm định thì cơ sở thu phí mới phải ra quyết định thu phí.
Giải thích thêm về việc Nghị định 153 mới đề cập tới 4 chất để thu phí khí thải, ông Hưng cho biết, Nghị định này mới giới hạn có 4 chất để thu phí để phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, có thể 2, 3 năm tới, chúng ta sẽ đưa đối tượng ô tô, xe máy vào đối tượng thu phí khí thải.
Ông Hưng cũng lưu ý các cơ sở thu phí phải thu - chi đúng theo quy định tại Luật Thuế, phí và lệ phí để tránh bị truy thu về sau.
Các doanh nghiệp phải lắp đặt thiết bị quan trắc trước ngày 31/12/2024
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn An Thủy – Đại diện Bộ Tài nguyên môi trường cho biết, Luật Thuế, phí và lệ phí từ năm 2015 đã quy định Sở Tài nguyên môi trường phải đưa ra thông số ô nhiễm môi trường để từ đó đưa ra mức thu thuế, phí phù hợp đối với từng loại khí thải.
Theo bà Thủy, Nghị định này mới quy định thu phí đối với các cơ sở trong danh sách môi trường, đang áp dụng với dự án kinh doanh dịch vụ, những đơn vị sản xuất công nghiệp, chưa áp dụng cho những người xả khí thải qua các phương tiện giao thông. Giai đoạn này mới chỉ đưa các dạng khí thải phổ thông vào danh mục thu phí.
Khi phát sinh đối tượng khí thải phải xử lý thì các cơ quan thu phí cần cập nhật vào danh mục thu phí. Các dự án sản xuất chưa có trong danh mục thu phí nhưng khi phát sinh khí thải thì phải cập nhật để đưa với đối tượng thu phí.
Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đối với sự phát sinh khí thải của mình, tuy nhiên, nếu kiểm soát không kỹ thì khi cơ quan thanh tra kiểm tra, nếu phát sinh khí thải vượt quá báo cáo định kỳ sẽ bị xử phạt theo quy định.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp có trong danh mục áp dụng quan trắc tự động, tuy nhiên do chi phí cao nên nhiều đơn vị vẫn chưa lắp đặt. Quy định yêu cầu từ nay đến 31/12/2024, các doanh nghiệp, những đối tượng trong danh mục quan trắc tự động phải lắp đặt thiết bị quan trắc” – Bà Thủy nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp giảm phát khí thải sẽ được giảm phí
Theo bà Thủy, Nghị định 153 đưa ra các quy định ưu đãi để khuyến khích các cơ sở giảm thiểu ô nhiễm. Trong đó, nếu nồng độ trung bình của một chất gây ô nhiễm trong khí thải của cơ sở thấp hơn 30% so với giới hạn cho phép, phần phí phải đóng cho chất ô nhiễm đó sẽ giảm xuống còn 75% so với mức phí thông thường.
Bà Nguyễn An Thủy – Bộ TNMT cho biết, nồng độ gây ô nhiễm khí thải càng giảm thì số phí cũng được giảm tương ứng
Tại mỗi dòng khí thải của cơ sở xả khí thải, nồng độ một chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải có giá trị trung bình (tính trong kỳ nộp phí) thấp hơn từ 30% trở lên so với nồng độ chất đó được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương (nếu có): Số phí biến đổi đối với chất đó chỉ bằng 50% số phí phải nộp tính theo công thức xác định số phí biến đổi của từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong dòng khí thải quy định.
Nghị định quy định rõ mức thu phí của từng dòng khí thải. Nếu dòng khí thải của cơ sở xả khí thải, nồng độ một chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải có giá trị trung bình (tính trong kỳ nộp phí) thấp hơn 30% so với nồng độ chất đó được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương (nếu có): Mức thu phí biến đổi đối với chất đó chỉ bằng 75% số phí (tức là chỉ phải nộp 25% so với quy định).
Còn dòng khí thải của cơ sở xả khí thải, nồng độ một chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải có giá trị trung bình (tính trong kỳ nộp phí) thấp hơn từ 30% trở lên so với nồng độ chất đó được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải hoặc quy định của chính quyền địa phương (nếu có): Mức thu phí biến đổi đối với chất đó bằng 50% số phí phải nộp tính theo công thức xác định số phí biến đổi của từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong dòng khí thải quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
Theo bà Thủy, việc truy thu phí sẽ căn cứ vào kết quả của các cơ quan chức năng đo được tại thời điểm kiểm tra tại doanh nghiệp. Số phí bị truy thu những khí thải mà các doanh nghiệp liệt kê còn thiếu trong bản kê khai sẽ căn cứ vào thời điểm trước đó 12 tháng. Đối với các cơ sở không dùng quan trắc thì cứ nhân lên theo thời gian và lưu lượng trong 12 tháng trước đó.
“Thông thường, những doanh nghiệp đã lắp đặt quan trắc tự động sẽ ít bị truy thu bởi số liệu được các cơ quan môi trường cập nhật kịp thời qua dữ liệu kết nối tự động” – Bà Thủy khẳng định.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đặt câu hỏi về các quy định để tính các đối tượng vượt thu, cách tính phí cố định, phí biến đổi…. những nội dung này được các chuyên gia giải đáp thấu đáo, dễ hiểu./.
Kim Chung