Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp". Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự tọa đàm và đã có một số chia sẻ về việc thực hiện hài hòa các chính sách nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (bên phải) tại tọa đàm
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để có thành công này, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành, trong đó chính sách tài khóa đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Chính phủ đã khéo léo, hiệu quả trong sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp.
Trong bối cảnh khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước có xu hướng bị sụt giảm, nhất là khi thực hiện miễn, giãn, hoãn các khoản thu. Nhưng chúng ta biết tranh thủ cơ hội để khai thác được nguồn thu để bù đắp cho phần giãn, hoãn, chậm nộp của doanh nghiệp. Việc làm tốt nguồn thu đã giúp cho cán cân thanh toán luôn thấp hơn mức bội chi Chính phủ giao. Vì thế, nợ công giảm xuống rất thấp, trước đây có thời kỳ trên 50%, nếu tính theo GDP mới thì năm 2021 xuống 42% và 2022 chỉ còn hơn 38%. Đây là dư địa rất tốt để tiếp tục sử dụng những chính sách tài khóa này.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết vấn đề đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho nước ta đạt được những kết quả vừa qua trong điều hành kinh tế vĩ mô là sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Có thể thấy khi chúng ta cần kiểm soát lạm phát, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu hoặc dưới mức mục tiêu.
“Để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, chúng ta phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng. Đó là giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho doanh nghiệp, cho người dân. Rồi chúng ta tăng cường, mở rộng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giải quyết các vấn đề về đại dịch. Làm thế nào để hai chính sách này vẫn đạt được mục tiêu thì tôi cho rằng thành quả của Chính phủ đã đạt được trong thời gian vừa qua là rất tuyệt vời”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói. Đứng từ góc độ Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội và cho Đảng về chính sách tài khóa, Thứ trưởng đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ để thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022 vẫn đạt được như dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm không nhiều. Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục báo cáo với Chính phủ và thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa. An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo, nợ công giảm xuống thấp. Điều này là điểm sáng và chúng ta phải luôn ý thức trong phối hợp giữa các chính sách vĩ mô khác nhau, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần gắn kết với nhau. Nếu làm cho tài khóa thâm hụt, Nhà nước phải tiếp tục ra thị trường vay mượn nhiều hơn thì lãi suất có thể tăng lên. Lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính phủ phải tăng, sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống lãi suất, vì lãi suất chính phủ là lãi suất nền. Cho nên dựa trên kinh nghiệm và kết quả thời gian vừa qua, chúng ta cần hết sức lưu ý hài hòa các chính sách. Khi hài hòa được các chính sách thì sẽ đạt được các kết quả mong muốn, trong đó có việc kiểm soát lạm phát.
Thị trườngTPDN có bước chuyển tích cực
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng có chia sẻ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo Thứ trưởng, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến các quyết sách của Chính phủ là phát triển thị trường TPDN ổn định, bền vững, minh bạch. Những khó khăn của thị trường trong nửa cuối của năm 2022 và cho đến thời điểm gần đây thì xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan tác động đến nền kinh tế của Việt Nam và ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động phát hành trái phiếu và sử dụng trái phiếu cũng chỉ là hoạt động của sản xuất kinh doanh, đầu tư vào huy động vốn của doanh nghiệp, nên chắc chắn chịu tác động. Những tác động khó lường và tác động theo chiều hướng khó khăn đã tác động đến doanh nghiệp phát hành và làm cho thị trường trái phiếu gặp những khó khăn.
Bên cạnh đó, thị trường của chúng ta rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và các chủ thể tham gia thị trường cũng còn non trẻ cùng với sự hình thành và phát triển đó, kể cả là các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến bản thân các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Từ phân tích nguyên nhân của những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một số giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong đó kể đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát, điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. Đó chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu và phải được ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn. Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách, ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường này như ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, rồi nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan trên nguyên tắc xuyên suốt là lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 5/3/2023, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường.
Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Ngoài ra, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8 nghìn tỷ đồng. Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản… thành công. Nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.
Như vậy, với những quy định mới của Chính phủ, kết quả đạt được bước đầu rất tích cực. Trong thời gian tới, thị trường kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững.
Tuệ Anh