Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tham mưu, đề xuất các giải pháp để giữ vững kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tham mưu, đề xuất các giải pháp để giữ vững kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng

Đây là ý kiến chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tài chính ngân sách tháng 2 vừa được Bộ Tài chính tổ chức chiều 4/3.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban Bộ Tài chính

Đảm bảo công tác thu - chi ngân sách

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.

Tổng chi cân đối NSNN 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về điều hành quản lý, thu ngân sách, tính đến hết tháng 2/2022, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 3.774 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 25.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.484,65 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 848,58 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 129,75 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.506,32 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 505,54 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 2/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra (10 cuộc thanh tra chuyên ngành và 1 cuộc kiểm tra nội bộ). Tổng số tiền thuế kiến nghị truy thu trong toàn ngành 7,107 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu 6,756 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 351 triệu đồng. Đã nộp NSNN 10,959 tỷ đồng (bao gồm số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021).

Cùng với đó, thực hiện 103 cuộc, trong đó có 38 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 65 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 30,913 tỉ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 49,052 tỉ đồng.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 896 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 661 tỷ đồng; Số thu ngân sách đạt 16,815 tỷ đồng, Cơ quan hải quan khởi tố 02 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các nhiệm vụ chi NSNN trong 2 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho phòng, chống dịch Covid-19, chi trả kịp thời các khoản an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vui đón Tết cổ truyền.

Tạo đà cho thu ngân sách những tháng tiếp theo

Tại Hội nghị, phát biểu từ đầu cầu Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thu ngân sách từ XNK tháng 2 đạt 28 nghìn tỷ đồng, kết quả đạt thấp do có thời gian nghỉ Tết, kim ngạch XNK, chỉ đạt 48 tỷ USD. Tuy nhiên, lũy kế 2 tháng thu ngân sách từ XNK vẫn đạt hơn 69 nghìn tỷ đồng.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, 2 tháng đầu năm cơ quan Hải quan đã khởi tố 9 vụ, đề nghị khởi tố 18 vụ, tập trung vào các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại thuốc, tân dược, đồ điện tử, xăng dầu thông qua hình thức tạm nhập tái xuất.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị với Lãnh đạo Bộ Tài chính một số vấn đề liên quan đến thuê dịch vụ CNTT của Hải quan; một số vấn đề trong tháo gỡ ách tắc hàng hóa ở biên giới Trung Quốc...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, thu ngân sách trong hai tháng đầu năm 2022 đạt khá với kết quả đạt hơn 279 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Về tổng thể, thu nội địa có tăng trưởng, có 11/19 khoản thu đạt trên 20% dự toán.

Trong tháng 3, cơ quan Thuế sẽ phấn đấu đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách để tạo đà thực hiện tốt về thu ngân sách trong những tháng tiếp theo.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, dù hai tháng đầu năm thu ngân sách đạt khá, nhưng cũng đã xuất hiện một số vấn đề tiềm ẩn ảnh hưởng đến thu ngân sách, như dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiến sự Nga – Ukraina leo thang; thu ngân sách từ dầu thô tăng nhưng do Việt Nam vẫn là nước NK dầu nên vẫn ảnh hưởng nhiều, điều này ảnh hưởng đến giá thành, chuỗi cung ứng của DN; việc triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế...

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến tham luận của đại diện các đơn vị thuộc Bộ như Tổng cục Dự trữ, Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Kho bạc Nhà nước, Cục Quản lý giá, Vụ Chính sách thuế...

Toàn cảnh Hội nghị

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp các bộ, ngành để triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Trong đó, ngoài việc giãn, giảm thuế, cần chú ý đến đầu tư và hỗ trợ lãi suất,

Năm 2022 đề án xây dựng cơ chế chính sách của Bộ Tài chính có số lượng lớn, các đơn vị cần tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó việc thực hiện Chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến các cân đối lớn về giá cả, thu chi ngân sách, huy động vốn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chú ý vấn đề này.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nếu đến hết tháng 3 không phân bổ hết vốn đầu tư năm 2022 thì sẽ rà soát, điều chỉnh, do đó, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đề nghị Vụ Đầu tư đôn đốc các địa phương, bộ ngành phân bổ hết vốn kế hoạch 2022.

Bên cạnh đó, tập trung phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đề án kích cầu, chú ý danh mục các dự án, đặc biệt là các dự án cấp bách, tránh trường hợp các dự án không quan trọng, cấp bách lại được đưa vào danh mục, các dự án quan trọng, cấp bách lại bị bỏ ra. Thứ trưởng cũng yêu cầu báo cáo tình hình giải ngân, thanh toán, cập nhật số liệu thường xuyên, chính xác, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như gửi cho các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tình hình thế giới đang rất căng thẳng, đặc biệt là sau khi chiến sự xảy ra tại Ukraina ra liên quan các vấn đề kinh tế thế giới như dầu lửa, hàng hóa, điều này đã ảnh hưởng tác động đến lạm phát trong nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Bộ Tài chính phải tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để giữ vững kinh tế vĩ mô, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, kiểm soát tốt lạm phát, giữ được bội chi ngân sách, nợ công, giữ được các cân đối lớn, đặc biệt là thu - chi ngân sách.

Bộ trưởng ghi nhận sự nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng cho biết, những vấn đề Chính phủ giao cho Bộ Tài chính như vấn đề hoàn thiện pháp luật, chuẩn bị nguồn lực... đều đã được hoàn thành, đáp ứng tiến độ với sự nỗ lực lớn, tính chuyên nghiệp rất cao, rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần phải làm sao để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công phải được giám sát chặt chẽ, tránh việc dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực khác không đúng mục tiêu. "Nguồn lực phục hồi kinh tế là rất lớn, gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó có nguồn lực lớn từ ngân sách, do đó cần được giám sát chặt chẽ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về công tác điều hành thu chi ngân sách, thông quan hàng hóa, áp dụng hóa đơn điện tử; điều hành, quản lý giá; chống thất thu trong thu thuế bất động sản; chứng khoán; tài chính ngân hàng; quản lý nợ...

GH


Cổng thông tin điên tử Bộ Tài chính