Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa tiếp tục có công văn số 167/QLBH-NT về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Công văn này nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý tài chính, nâng cao tính an toàn hệ thống và thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực bảo hiểm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Tại văn bản này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLBH) đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát, tăng cường công tác quản lý chi phí, trong đó có chi phí dành cho kênh phân phối, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư tại các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao và thực hiện hoạt động đầu tư đảm bảo tuân thù quy định pháp luật, an toàn, hiệu quả, thanh khoản.
Về hoạt động nghiệp vụ, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, Cục QLBH yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường rà soát, đẩy mạnh chất lượng thẩm định và nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm và chất lượng chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách quản trị rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, quy trình nghiệp vụ đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư số 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng và đại lý tổ chức khác đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm hoặc hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trái với quy định pháp luật. Xử lý nghiêm trường hợp nhân viên ngân hàng, tư vấn viên của công ty vi phạm việc thực hiện các nguyên tắc và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm. Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
“Đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện vi phạm (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm có phương án và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, báo cáo Bộ Tài chính”- Văn bản nêu rõ.
Trước đó, đặc biệt là giai đoạn 2020 – 2022, Bộ Tài chính, Cục QLBH đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các vấn đề về nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm.
HP