Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quý I/2025, kinh tế xã hội tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Quý I/2025, kinh tế xã hội tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn

GDP Quý 1/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho Quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%.

Những thông tin tích cực nêu trên về tình hình kinh tế-xã hội của nước ta trong 3 tháng đầu năm 2025 đã được Cục Thống kê cung cấp tại buổi họp báo được tổ chức sáng nay (6/4), tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê chủ trì buổi họp báo sáng 6/4. Ảnh: CTK

GDP tăng cao nhất so với Quý I các năm giai đoạn 5 năm qua

Thông tin một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế xã hội Quý I/2025, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho Quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%.

Sản xuất công nghiệp trong Quý I/2025 tiếp tục khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I/2025 ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (Quý I/2024 tăng 5,9%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất nông nghiệp Quý I/2025 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Thời tiết thuận lợi cùng việc áp dụng hiệu quả của khoa học kỹ thuật đã giúp sản lượng cây lâu năm đạt khá; chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, sản lượng gỗ khai thác tăng cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng do đẩy mạnh nuôi siêu thâm canh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.

Quý I/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn lao động, giảm 4,0% về số doanh nghiệp, tăng 1,3% về số vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2025 đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay là 1.386,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm 2024.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 36,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong Quý I/2025 lên hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính chung Quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Cục Thống kê nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết đầu năm; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Trong đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam Quý I/2025 đạt hơn 6 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước và đây là số lượng khách vào nước ta trong một quý cao nhất từ trước đến nay.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong Quý I/2025 theo giá hiện hành tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ Quý I/2024. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam Quý I/2025 ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất ba tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD.

Trong Quý I/2025, thị trường hàng hóa toàn cầu có nhiều biến động do tình hình chính trị, kinh tế xã hội toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn. Trong nước, hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ duy trì theo hướng tăng trưởng ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. CPI quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân Quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Lao động có việc làm Quý I/2025 ước tính là 51,9 triệu người, giảm 234 nghìn người so với quý trước và tăng 532,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động Quý I/2025 là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động Quý I/2025 là 2,20%, giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo kết quả báo cáo điều tra lao động và việc làm hằng tháng, thu nhập và đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Tính từ đầu năm đến ngày 28/3/2025, Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân gần 6,9 nghìn tấn gạo để hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2025. Tính đến hết 28/3/2025, cả nước đã chung tay hỗ trợ xóa được 168 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát.

Đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường nội địa

Dự báo trong Quý II/2025, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khó lường, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Theo Cục Thống kê, các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Bên cạnh việc tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước.

Cùng với đó, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, mô hình kinh doanh mới. Có các chính sách đột phá thu hút các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam…

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính