Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiểm soát chặt chẽ, thống nhất quyền lực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Kiểm soát chặt chẽ, thống nhất quyền lực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng tại Quy định số 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công (Quy định số 189) vừa được Bộ Chính trị ban hành mới đây.

Kiểm soát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm

Đối tượng áp dụng Quy định số 189 gồm: các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.

Nguyên tắc xuyên suốt của việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Quyền lực nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm sóat quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước, Nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước.

Nội dung kiểm soát phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động kiểm soát phải tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Quy định số 189 quy định cụ thể về chủ thể, phạm vi, phương thức kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Trong đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực tài chính ngân sách và tài sản công; xây dựng tiêu chuẩn, định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; tham gia ý kiến với Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ đó. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện lập dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước; tổng hợp số liệu về quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách và tài sản công theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

13 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công

Tại Quy định này, Bộ Chính trị nhận diện 13 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, gồm:

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công.

Hai là, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong quản lý, sử dụng tài chính công.

Ba là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công.

Bốn là, bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Năm là, thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định.

Sáu là, chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao trái với quy định của pháp luật; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định.

Bảy là, quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.

Tám là, thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Chín là, sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định.

Mười là trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật. Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.

Mười một là, lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định. Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định.

Mười hai là, không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công.

Cuối cùng là các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài chính công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công

Đồng thời, Quy định của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ 10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, gồm: (i) Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; (ii) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công; (iii) Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức; (iv) Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng; (v) Sử dụng tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức; (vi) Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; (vii) Xử lý tài sản công trái quy định; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công; (viii) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định; (ix) Thực hiện không đúng quy định trong quản lý quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài sản của Đảng, Nhà nước; (x) các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

Quy định số 189 có hiệu lực kể từ ngày 08/10/2024.

HP​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính