Ngày 29/8, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị lấy kiến các Bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó quan điểm xây dựng dự thảo Luật nhằm bám sát 2 chính sách quan trọng gồm: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; Việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu khai mạc Hội nghị
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là các luật do Quốc hội ban hành để sửa đổi bổ sung. Đợt này sẽ sửa 13 luật, trong đó tập trung nhóm các luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó bao gồm việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14) được Quốc hội khoá XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, thực tế có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp. Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung và xin ý kiến các Bộ, ngành tại hội nghị hôm nay.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ, việc sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lần này cần tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề có tính chất cấp bách nhất, tác động tức thì tới thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, nội dung sửa đổi Luật tập trung vào 2 nhóm vấn đề: Thứ nhất, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các bộ ngành địa phương, các đơn vị cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính chủ yếu xử lý các vấn đề liên bộ, các vấn đề giữa trung ương và địa phương. Đối với các vấn đề khác sẽ do các bộ ngành và địa phương quyết định. Đồng thời gắn việc phân cấp, phân quyền với công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Thứ hai việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Đất đai, các luật liên quan đến tài nguyên...
Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản giới thiệu tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Luật
Tại Hội nghị, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã giới thiệu tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Luật. Theo đó dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các Điều: 26, 39, 40, 41, 45, 56, 57, 58, 61, 78, 80, 81, 87, 109, 110, 113, 120 được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay; Bổ sung Điều 47a, Điều 93a quy định về hình thức chuyển giao tài sản công về địa phương quản lý, xử lý; Thay thế, bổ sung, bãi bỏ một số cụm từ của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo Luật với nhiều sửa đổi, bổ sung, được thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các Bộ ngành, địa phương. Điển hình như: Sửa đổi quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công.
Sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi Bộ, ngành, địa phương.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Góp ý kiến tại Hội nghị, đa số ý kiến từ các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết, các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo. Việc sửa đổi lần này khá phù hợp theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các Bộ ngành, địa phương nhiều hơn, qua đó góp phần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công tại các bộ ngành, địa phương hiện nay.
Bà Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) góp ý kiến tại hội nghị
Góp ý chi tiết đối với dự thảo Luật, theo bà Tăng Thị Thiệm, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Chính phủ) cần làm rõ hơn các khái niệm. Bởi theo luật về Tài sản công hiện hành đưa ra khái niệm tài sản công gồm “tài nguyên”, “tiền”, đề nghị cần phân biệt rõ hơn và đồng bộ với các luật khác. Hiện theo Luật đất đai việc quản lý tài nguyên rất đặc thù. Về tài sản là “tiền” cần đồng bộ với Luật kế toán. “Trong luật tài sản công chưa có điều chỉnh hành vi quản lý với tiền, vậy quản lý tiền nằm ở đâu, nên chăng cần được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công sửa đổi, bổ sung lần này. Ngoài tiền còn có các khoản đầu tư, nợ phải thu, đặc biệt ở các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập chưa có chế tài quy định rõ, nên cân nhắc đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật”, đại diện Thanh tra Chính phủ cho ý kiến.
Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) phản ánh, liên quan đến lĩnh vực y tế, hiện nay đang coi thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm là tài sản công. Điều này dẫn đến việc phải quản lý như các tài sản công khác, như phải có tiêu chuẩn định mức, có dự toán mua sắm được duyệt… Bộ Y tế kiến nghị không nên coi thuốc, vật tư tiêu hao là tài sản công do gây khó khăn trong quy định về phân cấp, thẩm quyền mua sắm tài sản công… Trường hợp vẫn quy định thì cần có quy định riêng đối với tài sản công là thuốc, vật tư tiêu hao.
Liên quan đến tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản phục vụ phòng chống dịch nhưng không đủ hồ sơ để xác lập, nếu không có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ rất lãng phí khi nhiều loại xe, thiết bị không thể đưa vào sử dụng. Bộ Y tế kiến nghị vẫn cần lập xác lập trong nhưng có cơ chế riêng để trong trường hợp phòng chống dịch bệnh, hoặc một số trường hợp không thể thu thập đủ hồ sơ theo quy định, có cơ chế cho Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng quyết định.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, với vai trò là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Luật, Cục Quản lý công sản sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia của các đại biểu. Qua đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, với tinh thần việc xây dựng chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi tối đa cho các Bộ ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay.
Thu Trang