Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024?

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024?

Cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Bộ Tài chính. Ảnh: MT

Thời gian vừa qua quả là một chặng đường sóng gió đối với thị trường TPDN. Nhìn lại những diễn biến bất ổn đó, chúng ta đúc kết được bài học gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Việc phát triển thị trường vốn trung, dài hạn như thị trường TPDN là công việc hết sức khó khăn. Trên thực tế, khung khổ pháp lý đối với thị trường này đã bắt đầu từ năm 1994, tuy nhiên đến năm 2016, thị trường mới bước vào giai đoạn phát triển và trong giai đoạn này đã có phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Mặc dù Bộ Tài chính đã theo sát tình hình phát triển của thị trường để báo cáo Quốc hội, Chính phủ có các điều chỉnh chính sách nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức, rủi ro mà thị trường phải đối mặt. Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế khuyến khích tự do kinh doanh, hoạt động, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ, sử dụng vốn được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 cộng thêm sự thiếu thông tin của một số nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó phát hành TPDN với khối lượng lớn. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có nhiều rủi ro, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nhưng chưa có quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh bất động sản, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản đảm bảo doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.

Thêm nữa, chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân chưa cao, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro của nhiều nhà đầu tư hạn chế. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, không hiểu rõ rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, mặc dù đã được các cơ quan Nhà nước thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần.

Tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Nguyên nhân của những bất ổn trong thời gian vừa qua xuất phát từ một số tổ chức, trong đó có ngân hàng thương mại, đã phân phối trái phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bao gồm cả những người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng liên quan đến TPDN ngày càng mở rộng, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Quy định pháp luật về người có liên quan, sở hữu chéo, tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Cơ chế và nguồn lực giám sát liên thông giữa các lĩnh vực của thị trường tài chính còn hạn chế.

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi đúc rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là phải coi trọng công tác phân tích, dự báo tình hình để chủ động, linh hoạt và ứng phó nhanh với những biến động về kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả, bền vững thị trường TPDN.

Thứ hai, phát triển cân đối, hài hòa các kênh cung ứng vốn từ thị trường vốn, thị trường tín dụng và mối quan hệ liên thông giữa các thị trường với đối tượng sử dụng vốn là các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Định hướng phát triển kênh phát hành TPDN công chúng có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của UBCKNN. Đối với kênh phát hành TPDN riêng lẻ, nghiên cứu để điều chỉnh các quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật chứng khoán, tiến tới TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức.

Thứ ba, trong chỉ đạo, điều hành cần sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo để ứng biến kịp thời với sự vận động của thị trường, đảm bảo mục tiêu an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm các nguy cơ, rủi ro và các sai phạm để răn đe, chấn chỉnh, đảm bảo sự an toàn của thị trường.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính theo các cấp độ cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân để hiểu rõ về rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật khi tham gia thị trường.

Theo Bộ trưởng, đâu là điểm khác biệt lớn nhất của thị trường TPDN năm 2023 nếu so với năm 2022?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, thị trường TPDN phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, do ảnh hưởng của thị trường tài chính trong và ngoài nước, các vụ việc liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB đã tác động tiêu cực đến thị trường TPDN, niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, doanh nghiệp hạn chế phát hành trái phiếu. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả.

Với các giải pháp của Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, trong năm 2023, thị trường TPDN bắt đầu có sự phục hồi, đặc biệt kể từ thời điểm sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực đến hết năm 2023, đã có 81 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 269,5 nghìn tỷ đồng, so với 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chỉ phát hành được 882 tỷ đồng cho thấy sự phục hồi tốt của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn. Khối lượng mua lại TPDN tính đến hết năm 2023 đạt 238 nghìn tỷ và đã có nhiều doanh nghiệp đã có phương án đàm phán.

Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi (GDP tăng 5,05% so với năm trước), quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV/2023 tăng 6,72%), việc thị trường TPDN phục hồi đã hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn để đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.

Thời điểm hiện nay, thị trường TPDN đã có dấu hiệu phục hồi, từng bước khắc phục lại niềm tin của nhà đầu tư sau sự việc Ngân hàng SCB xảy ra vào cuối năm 2022. Trong đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được các Hiệp hội, thành viên thị trường đánh giá cao, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn. Đồng thời, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các Bộ ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường tài chính.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường TPDN. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán chịu trách nhiệm rà soát việc chấp hành quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp, tổ chức tư vấn dịch vụ, trường hợp vi phạm chuyển Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ; đồng thời Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, có đơn thư phản ánh để yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đối với các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này. Công tác tuyên truyền về thị trường TPDN cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai.

Các chính sách và giải pháp của Chính phủ thời gian qua đã giúp ổn định tâm lý thị trường, cùng với đó việc quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, giám sát và thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rủi ro. Các chủ thể tham gia thị trường từ nhà đầu tư đến doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động. Đây là chuyển biến quan trọng để thị trường phát triển thị trường bền vững, an toàn, hiệu quả hơn.

Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 tương đối lớn, trong đó chủ yếu là trái phiếu bất động sản. Điều này liệu có tạo áp lực với thị trường vốn và lòng tin nhà đầu tư, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức phớc: Khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 cũng ở mức tương đối cao, khoảng 301 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với bối cảnh giai đoạn cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 khi vụ việc ngân hàng SCB xảy ra, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đều ổn định hơn rất nhiều. Tăng trưởng GDP có xu hướng phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm 2023, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 7,2% so với năm 2022. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.

Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư. Đối với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, theo đó mức độ phục hồi, phát triển khác nhau. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, số lượng dự án đã hoàn thành Quý IV/2023 là 29 dự án, cao hơn so với số dự án đã hoàn thành trong Quý III/2023 là 21 dự án, Quý II/2023 là 7 dự án, Quý I/2023 là 14 dự án. Sau khi Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, các khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, có dòng tiền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư.

Thị trường TPDN nằm trong tổng thể thị trường tài chính, có mối quan hệ chặt chẽ với diễn biến kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước và các chính sách điều hành vĩ mô tổng thể, các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Đối với thị trường TPDN, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kể từ Quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản.

Một số yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự phục hồi của thị trường như các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện quy định về hoán đổi, đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác và các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022 được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 02 năm. Qua đánh giá tình hình triển khai Nghị định 08/2023/NĐ-CP, chính sách này đang tương đối hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, 57,3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán, trong đó 6,8% đã thanh toán một phần gốc, lãi cho nhà đầu tư, 50,4% đã đàm phán để cơ cấu lại nợ trái phiếu.

Kinh tế vĩ mô phục hồi, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định, có khả năng thanh toán nợ đến hạn phát hành mới, từ đó xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và củng cố tâm lý cho thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung. Trong năm 2023, khối lượng phát hành TPDN tăng dần qua từng quý, trong đó Quý II/2023 đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, Quý III/2023 đạt 105,3 nghìn tỷ đồng, Quý IV/2023 đạt 130,1 nghìn tỷ đồng. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024.

Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và tác động của 02 Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến năm 2024 sẽ có thêm nhiều dự án được hoàn thành và bàn giao, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất hiện nay ở mức tương đối thấp, các doanh nghiệp có dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ, trong đó có nghĩa vụ nợ TPDN.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tích cực đến sự phục hồi của thị trường là các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, thị trường TPDN năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tuệ Anh thực hiện​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính