Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2025

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2025

Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với 89,35% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, Nghị quyết, số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng. Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Về dự toán, kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn 56.136,146 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 112/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội.

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa 579,306 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 chưa giải ngân hết để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán sang năm 2025…

Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Quốc hội cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế. Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.

Tuệ Anh​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính