Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt khá cả về tiến độ và tốc độ, với 12/21 khoản thu, sắc thuế và 30/63 địa phương đạt trên 55% dự toán, có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của toàn ngành Thuế chiều 5/7/2024
Thu nội địa đạt khá cả về tiến độ và tốc độ
Báo cáo kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Đoàn Xuân Toản cho biết: Năm 2024, dự toán thu ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; Thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng; Thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và LNCL, thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của NHNN (thu thuế, phí nội địa) là 1.085.241 tỷ đồng.
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ chương trình công tác thuế năm 2024, trong đó đã chỉ đạo toàn ngành Thuế tập trung triển khai công tác hỗ trợ người nộp thuế (NNT) nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác quản lý thu NSNN để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được giao.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu NSNN 6 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ, với 12/21 khoản thu, sắc thuế và 30/63 địa phương đạt trên 55% dự toán, có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Còn lại 33/63 địa phương thu đạt dưới 55%, trong số đó có: 26/33 địa phương tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước; 09/63 địa phương đạt thấp chủ yếu do nguồn thu từ sản xuất thủy điện chiếm tỷ trọng lớn phụ thuộc vào thời tiết nguồn thu này còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết tiêu cực, dự báo thu những tháng cuối năm còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rất khó hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.
Chú trọng kiểm soát hoàn thuế GTGT
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, chỉ đạo, quán triệt Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong công tác giải quyết hoàn thuế GTGT, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không gây bức xúc trong dư luận.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai các Tổ công tác trực tiếp xuống nắm bắt, làm việc tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, đơn vị có lượng hồ sơ và số thuế đề nghị hoàn tồn lớn để hướng dẫn, cùng rà soát từng hồ sơ cụ thể, trên cơ sở đó tổng hợp, đánh giá tình hình, đưa ra các nguyên nhân tồn đọng để tham mưu cho Tổng cục Thuế và cấp thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ và chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, trong tháng 6/2024, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2024 tại 02 Miền Bắc, Nam, phân tổ thảo luận các nhóm vấn đề lớn trong công tác hoàn thuế như: Quy trình hoàn thuế, phòng chống gian lận hoàn thuế GTGT, sổ tay nghiệp vụ, chương trình tuân thủ hoàn thuế tự nguyện,… từ đó có các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Với việc thực hiện quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác hoàn thuế GTGT đã đạt được những kết quả tích cực. Lũy kế đến hết ngày 30/6/2024, toàn ngành thuế đã ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, bằng 37% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024 (171.000 tỷ đồng), bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số Cục Thuế có số tiền giải quyết hoàn thuế lớn nhất cả nước là: Bình Dương, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội .
Bên cạnh đó, tổng số hồ sơ kiểm trước đang tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế GTGT trên cả nước là 1.279 hồ sơ (chiếm tỷ trọng 57% hồ sơ đang giải quyết) tương ứng số thuế đề nghị hoàn 20.896 tỷ đồng. Trong đó, một số Cục Thuế có số lượng hồ sơ kiểm trước đang giải quyết lớn gồm: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết ngành Thuế 6 tháng đầu năm 2024 tại điểm cầu Tổng cục Thuế
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh, để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT; chỉ đạo các Cục Thuế xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế GTGT đạt tối thiếu 10% tổng số danh sách kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Năm 2024, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoàn thuế có rủi ro cao, phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh và phối hợp xác minh hóa đơn trong thanh tra, kiểm tra hoàn thuế; đẩy mạnh triển khai Ứng dụng xác minh hóa đơn tại cơ quan thuế các cấp. Đến nay, đã có 59/63 Cục Thuế đã xây dựng kế hoạch, chuyên đề thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT với 1.232 doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm báo cáo, 63 Cục Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với 2.258 quyết định hoàn, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 14.241,5 tỷ đồng. Có 654 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn có phát sinh số thuế truy hoàn và phạt số tiền là 155,2 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: số thuế truy hoàn là 72,2 tỷ đồng, phạt là 83 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 124,2 tỷ đồng).
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN
Bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh công tác hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, hóa đơn, chống gian lận về thuế, về hóa đơn nhằm trục lợi bất chính, đồng thời chuyển cơ quan công an phối hợp điều tra, xử lý theo quy định. Theo đó, cơ quan thuế các cấp đã góp phần ngăn chặn và khắc phục đối với các hành vi gian lận về hóa đơn nhằm mục đích trốn thuế, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế, đồng thời góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Kết quả rà soát, kiểm tra hoá đơn: Tính đến thời điểm báo cáo, số lượng hóa đơn vi phạm là 12.625 hóa đơn; Tổng giá trị trên hóa đơn: 8.524 tỷ đồng và tiền thuế: 753 tỷ đồng; Tổng số tiền xử lý vi phạm về hóa đơn là: 27,9 tỷ đồng (trong đó: Thuế GTGT: 5,4 tỷ đồng; thuế TNDN: 5,89 tỷ đồng; Thuế khác: 475,2 triệu đồng; Tiền phạt và chậm nộp: 11 tỷ đồng; Giảm thuế GTGT được khấu trừ: 4,48 tỷ đồng; giảm hoàn thuế GTGT là 237,5 triệu đồng).
Về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế coi đây là nội dung trọng tâm và thường xuyên chỉ đạo các Cục Thuế triển khai thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết trên địa bàn; rà soát, tổng hợp thông tin từ các nguồn về ngành nghề hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tình trạng đầu tư, tình hình kê khai, điều chỉnh giá giao dịch liên kết... để nhận diện các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về giá chuyển nhượng. Qua đó, tiến hành thu thập thông tin, tài liệu để phân tích chuyên sâu và xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về giá chuyển nhượng để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra năm 2024.
Đến hết tháng 6 năm 2024, toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 314 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 730 tỷ đồng; giảm lỗ 4.002 tỷ đồng; giảm khấu trừ 13,67 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.810 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 404,5 tỷ đồng, giảm lỗ 2.171 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.124 tỷ đồng.
Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên, lũy kế đến ngày 30/06/2024, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 24.076 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 36,13% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 337.838 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 122,24% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 21.525,5 tỷ đồng bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 6.913 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.112 tỷ đồng; giảm lỗ là 13.501 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.342,78 tỷ đồng, bằng 62,82% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Trao đổi tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, những kết quả đã đạt được của ngành Thuế 6 tháng đầu năm là nhờ sự quyết tâm không chỉ của ngành Thuế trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra ngay từ đầu năm. Đây còn là kết quả của sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các Bộ, ngành và địa phương trung ương, nhất là cơ quan công an cũng đã trực tiếp tác động đến số thu cho ngành thuế.
“Kết quả này còn là sự nỗ lực, đoàn kết, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo của ngành Thuế cũng như cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan thuế các cấp đã hết sức có trách nhiệm làm việc với trên 100 % công suất, sức lực, thời gian để hoàn thành được nhiệm vụ được giao”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và các giải pháp triển khai, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị các đại biểu tham dự bàn sâu về các định hướng lớn để triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, chuẩn bị cho năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đối với công tác nội ngành, ông Thành đề nghị tiến tới thiết lập quản trị nội ngành trên cơ sở kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kiểm tra chuyên đề, phát hiện sớm những tồn tại của hệ thống hướng tới mô hình phục vụ tốt hơn nữa người dân doanh nghiệp. Tiến tới, từ quý 3/2024, ngành Thuế sẽ thực hiện chấm điểm công chức của ngành thuế. Đối với những công chức có điểm số thấp thì sẽ xem xét thực hiện đào tạo tại Trường bồi dưỡng cán bộ Thuế đến khi nào có số điểm đạt chuẩn thì mới quay trở lại làm việc.
“Cả hệ thống thuế cần phát huy được tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm, tự tôn tự trọng của người cán bộ công chức thuế từ lãnh đạo cho đến ý thức của mỗi cán bộ công chức có như thế chúng ta mới áp dụng được toàn phần các giải pháp cải cách hành chính. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải khơi dậy được nhiệt huyết của cán bộ công chức và tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo tại tất cả hệ thống cần quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của mỗi cán bộ, công chức để cán bộ, công chức tận tụy với công việc và coi cơ quan là ngôi nhà thứ hai của mình”, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Châu An