Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mục tiêu tăng trưởng 8% là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Mục tiêu tăng trưởng 8% là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới

Chiều ngày 14/3, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 02/2025, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 03/2025. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Đây là kỳ họp giao ban đầu tiên của Bộ Tài chính mới sau hợp nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Triển khai thực hiện hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính Phạm Chí Thanh cho biết, trong tháng 2/2025, toàn ngành Tài chính đã tập trung ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực, không quản ngày đêm để triển khai thực hiện ngay, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính, các đơn vị bên trong theo định hướng, đúng tiến độ được giao; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đảm bảo hoạt động thông suốt sau khi sắp xếp bộ máy, không để ảnh hưởng đến công việc. Đã hoàn thành việc sắp xếp trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc Bộ sau hợp nhất để đảm bảo các đơn vị ổn định làm việc từ ngày 01/3/2025. Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, BHXHVN, UBQLVNN và UBGSTCQG hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Đã kịp thời tổ chức Hội nghị công bố Nghị định của Chính phủ dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 35 đơn vị thuộc Bộ (sau hợp nhất); tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh Lãnh đạo, Bộ phận của các đơn vị thuộc Bộ để sớm ổn định tổ chức, bộ máy. Bộ Tài chính đã phối hợp với UBQLV tổ chức buổi lễ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 18 Tập đoàn, Tổng công ty từ UBQLV về Bộ Tài chính.

Về quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu NSNN tháng 02/2025 ước đạt 191,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 25,5% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 25,1% dự toán), tăng 25,7% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Thu nội địa ước bằng 27,3% dự toán, tăng 28,9% so cùng kỳ năm 2024; Thu từ dầu thô bằng 15,3% dự toán, giảm 17,1% so cùng kỳ năm 2024; Thu từ cân đối hoạt động XNK bằng 15,5% dự toán tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2024.

Về chi NSNN, tổng chi cân đối NSNN tháng 02 ước đạt 140,6 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 2 tháng ước đạt 293,8 nghìn tỷ đồng, bằng 11,5% dự toán, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2024. trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 60,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,6% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 7,32% kế hoạch vốn đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt ước đạt 21,1% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 13,4% dự toán, tăng 15,9% so cùng kỳ. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 02 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội

Về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong tháng 2/2025 đã thực hiện phát hành 45,11 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 9% kế hoạch cả năm Bộ Giao (500 nghìn tỷ đồng), kỳ hạn bình quân 10,83 năm, lãi suất bình quân 2,91%/năm.

Nhiều giải pháp đặt ra để hoàn thành mục tiêu thu NSNN

Tại Hội nghị, nhiều nội dung đã được Lãnh đạo bộ cùng đại diện các đơn vị tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện trong thời gian tới, như: cơ chế đặc thù; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; tài chính nội ngành; …

Báo cáo tại phiên họp, ông Trần Quân, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết: Về công tác huy động vốn, KBNN đã tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp, trong phạm vi kế hoạch điều hành NSNN, ngân sách trung ương (NSTW) quý I/2025, đáp ứng nhu cầu chi của NSTW. Tính đến ngày 15/2/2025, tổng khối lượng TPCP phát hành là 34.818 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch phát hành TPCP năm 2025 (500.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm là 10,94 năm; thời gian đáo hạn bình quân danh mục TPCP là 9,02 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,89%/năm. Kho bạc Nhà nước cũng cho biết hết tháng 3/2025 sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ về tình hình khả năng huy động vốn và giải pháp để đảm bảo huy động đủ 500.000 tỷ đồng như kế hoạch được giao.

Liên quan đến công tác chuyển đổi số, trên cơ sở cuộc họp của Bộ trưởng chỉ đạo, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị đánh giá lại các thủ tục hành chính của KBNN để đảm bảo đúng chỉ đạo Bộ trưởng, của Thủ tướng Chính phủ giảm 30% thời gian nhận thủ tục.

Ông Trần Quân, Giám đốc Kho bạc Nhà nước phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đến ngày 12/3 của Cục Thuế đạt 528.334 tỷ đồng, bằng 30,7% so với dự toán, đạt 141,1% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là mức cao nhất trong hai tháng đầu năm từ trước đến nay”, ông Thành cho biết. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng nhìn vào số liệu thu cũng cho thấy nợ quá hạn của doanh nghiệp có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động giảm so với cùng kỳ. Đây là vấn đề cần được theo dõi để có giải pháp kịp thời.

Về hiện đại hoá công tác quản lý thuế, hiện nay, Cục Thuế đã hoàn thành Đề án quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và đang quyết liệt triển khai trong toàn Ngành, khuyến khích 60% hộ chuyển sang tự kê khai để chịu trách nhiệm “không để họ núp vào thuế khoán”. Ông Thành cũng cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, sẽ nghiên cứu, đề xuất việc loại bỏ chế độ thuế khoán, tránh gặp khó khăn phát sinh trong thi hành pháp luật.

Đối với ngành Hải quan, Phó Cục trưởng Âu Anh Tuấn cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 2/2025 đạt 67,77 tỷ USD và tăng 0,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, trong tháng 2, trị giá xuất khẩu chỉ đạt 31,11 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy xuất khẩu bắt đầu có xu hướng giảm so với các tháng trước. Tổng thể 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 127,7 tỷ USD và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024.

Về tình hình thu ngân sách, số thu từ xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 61.303 tỷ đồng, tương đương với 14,9% dự toán và 13,04% so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn chậm và không đạt được mức tăng thu bình quân hàng tháng mà Chính phủ giao. Nguyên nhân một phần do giá dầu bắt đầu giảm. “Dự toán chúng ta xây dựng dựa trên mức giá dầu khoảng 80 USD nhưng hiện nay giá dầu đang giảm xuống còn mức 70 USD”, ông Tuấn cho biết.

Do đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thương mại trong tháng tiếp theo để đánh giá tác động của xu hướng nhập khẩu cũng như sự phục hồi của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Theo đó, thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương phân tích, đánh giá kim ngạch xuất nhập khẩu vào một thị trường lớn, các mặt hàng trọng điểm, doanh nghiệp xuất khẩu lớn để kịp thời phát hiện có bất thường. Cục Hải quan đã chỉ đạo Hải quan địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra và giám sát để phát hiện sớm, đấu tranh hiệu quả với gian lận thương mại, hành vi gian lận xuất xứ…

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị

Đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động thông suốt

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các đơn vị chức năng trong Bộ cần hết sức chú ý tới các chỉ số kinh tế vĩ mô để kịp thời xây dựng ngay các kịch bản, phương án đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị cần chuẩn bị trước các phương án để đảm bảo công việc thông suốt trong bối cảnh có sự thay đổi về địa giới hành chính tới đây.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị Cục Thuế chỉ đạo cơ quan Thuế khu vực cần bán sát, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế để kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp thu; tiếp tục rà soát giải pháp QLT, Chống nợ đọng. Tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế các tỉnh khẩn trương hoàn thiện đôn đốc thu đối với các kết quả, thanh tra kiểm tra đã thực hiện từ cuối năm 2024 chuyển sang, Đồng thời, đề nghị Cục Thuế bám sát tiến độ phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025 để triển hai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Thứ trưởng cũng đề nghị đối với các Nghị định, Thông tư đang trong quá trình xây dựng, triển khai theo Chương trình công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Đề nghị các đơn vị bám sát chương trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập trung nguồn lực để kịp thời hoàn thiện trình Bộ để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Liên quan đến vấn đề xây dựng, pháp luật, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đơn vị trong quá trình xây dựng, sửa Luật cần gắn với các mục tiêu tại các Đề án, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, sắp tới quá trình sắp xếp còn tiếp tục tác động rất mạnh mẽ trực tiếp từ việc sắp xếp các địa phương sẽ ảnh hưởng đến công việc của ngành. Bản thân việc sắp xếp của ngành sẽ ngấm sâu hơn vào công việc, do đó, đề nghị các đồng chí lãnh đạo các đơn vị cũng cần chủ động rà soát, có phương án để có giải pháp chủ động sớm để thích ứng với tình hình sắp tới. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đồng tình với ý kiến của các Thứ trưởng, trong điều hành công việc hiện nay của cơ quan có rất nhiều sự giao thoa, nhiều công việc vẫn còn chồng chéo lẫn nhau, vì vậy các đơn vị phải hết sức chia sẻ với nhau, chia sẻ công việc và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và được phân công phải có trách nhiệm chủ trì và triển khai, không được phép đùn đẩy công việc.

Quang cảnh Hội nghị

Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc “Không đánh võng, không đưa đẩy công việc”

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khối lượng công việc của Bộ Tài chính sau hợp nhất là vô cùng lớn, nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi toàn ngành phải cố gắng, nỗ lực. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong 2 tháng đầu năm, một trong những công việc lớn nhất của Bộ là hợp nhất sát nhập, chuẩn bị cơ sở vật chất, thể chế để thực hiện sát nhập. Thời gian qua, ngành Tài chính đã nỗ lực từ Lãnh đạo đến các vụ, cục, cơ quan, đơn vị đều rất trách nhiệm, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả. Không để việc sáp nhập làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Lưu ý về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, khối lượng công việc của Bộ rất lớn, bộ máy mới. Do đó, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị vẫn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh tiếp, đảm bảo phù hợp sau sáp nhập. Bộ trưởng thông tin, Quy chế làm việc của Bộ chuẩn bị được ký ban hành đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tăng cường sự chủ động của các đơn vị. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc, “Không đánh võng, không đưa đẩy, việc của ai người đó phải làm”. Đồng thời, phải nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ.

Nhấn mạnh về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là rất quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến Bộ Tài chính. Ở mỗi lĩnh vực của các vụ, cục liên quan, các Thứ trưởng phải có chỉ đạo, các đơn vị phải chủ động có các giải pháp để đạt được mục tiêu. “Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, giao Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng các kịch bản, nhiệm vụ giải pháp giả định suy thoái kinh tế thế giới để có đối sách kịp thời.

Đề cập đến lĩnh vực pháp chế, Bộ trưởng lưu ý công tác chuẩn bị, hoàn thiện kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật phải trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 sắp tới. Đồng thời, các nhiệm vụ thể chế đang chậm phải tập trung khắc phục ngay, giải quyết ngay, không để tồn đọng. Đối với Đề án phát triển kinh tế tư nhân, đây là nhiệm vụ quan trọng được Thường trực Ban Bí thư giao cho Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2025. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị xây dựng chính sách này phải đảm bảo thực chất, khả thi, đột phá, để đề án đi vào cuộc sống sau khi triển khai.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các đơn vị quyết liệt cải cách hành chính, chủ động thực hiện chuyển đổi số, liên thông dữ liệu, thay đổi các phương thức làm việc thủ công sang điện tử. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tham mưu Lãnh đạo Bộ trong thực nhiệm nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra trong lĩnh vực phụ trách khi thực hiện chuyển đổi địa giới hành chính, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ.

HD​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính