Báo
cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN
tháng 01, ước thực hiện 02 tháng kế hoạch năm 2024 cho biết, ước thanh
toán từ đầu năm đến ngày 29/2/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% kế
hoạch (đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2023
đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Gần 50% bộ, ngành chưa phân bổ kế hoạch vốn 2024
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế
hoạch đầu tư công vốn NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương
là 657.349 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW là 225.000 tỷ đồng, vốn NSĐP là
432.349 tỷ đồng). Trong đó, tổng số kế hoạch bố trí cho các dự án quan
trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng
điểm khác là 92.900 tỷ đồng và dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục
tiêu quốc gia (CTMTQG) là 27.220 tỷ đồng.
Ảnh minh họa: HD
Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2024 các
địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số
liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 32.427 tỷ đồng; Kế hoạch vốn các
năm trước đã được cho phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 105,2
tỷ đồng, trong đó: NSTW thuộc CTMTQG là 103,9 tỷ đồng, NSĐP là 1,3 tỷ
đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 (kế
hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao
tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 689.881,1 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã phân bổ là 664.484,9 tỷ
đồng, đạt 101,09% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (657.349 tỷ
đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng
Chính phủ giao là 32.427 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân
đối NSĐP các địa phương giao tăng là 32.427 tỷ đồng, thì tổng số vốn đã
phân bổ là 632.057,8 tỷ đồng, đạt 96,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã
giao). Có 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân
bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.291,1 tỷ đồng, chiếm 3,85% kế
hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTW là 10.751,7 tỷ đồng,
vốn cân đối NSĐP là 14.539,4 tỷ đồng.
Nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư
Chỉ ra các nguyên nhân cụ thể của việc
chậm phân bổ vốn, Bộ Tài chính cho biết: Đối với nguồn NSTW, tính đến
thời điểm báo cáo có 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương
chưa phân bổ 10.751,7 tỷ đồng/225.000 tỷ đồng (chiếm 4,78% kế hoạch Thủ
tướng Chính phủ giao). Cụ thể, vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là
7.961,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước chưa phân bổ là 6.196 tỷ đồng
có nguyên nhân là còn nhiều bộ, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án
khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số bộ, ngành,
địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng
Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn
thành. Một số bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm
vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư
công trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024…
Vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết là
1.767 tỷ đồng có nguyên nhân là do nhiều dự án vướng mắc trong công tác
đấu thầu, hoặc đang đàm phán, hoặc gặp vướng trong ký kết hiệp định sử
dụng vốn…
Vốn CTMTQG chưa phân bổ trên 2.789 tỷ
đồng do nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án
nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.
Đối với nguồn NSĐP, có 20/63 địa phương
chưa phân bổ hết vốn cân đối NSĐP là 14.539,4 tỷ đồng (trong đó một số
địa phương có số vốn chưa phân bổ lớn như: Hưng Yên 6.564 tỷ đồng (35,3%
kế hoạch vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao), Bắc Ninh
1.548 tỷ đồng (21,9% KH vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao),
Long An 1.107 tỷ đồng (17,1% KH vốn cân đối NSĐP được Thủ tướng Chính
phủ giao) do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư
từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.
Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để phân bổ hết nguồn vốn, tạo tiền đề
cho công tác giải ngân vốn, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ
giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) phối hợp với các bộ,
cơ quan trung và địa phương báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với các
vướng mắc liên quan đến kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 theo đúng
Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số
20/NQ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 01 năm 2024.
Tại Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư
NSNN năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao cụ thể vốn cân đối NSĐP cho
từng địa phương. Theo quy định tại Luật Đầu tư công, trước ngày
31/12/2023, UBND các cấp giao kế hoạch đầu tư năm 2024 cho các đơn vị
thực hiện. Vì vậy, đối với số vốn 14.539,4 tỷ đồng nguồn cân đối NSĐP
chưa phân bổ của một số địa phương, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương
khẩn trương báo cáo cấp thẩm quyền các nguyên nhân, vướng mắc và đề xuất
hướng xử lý.
Đối với việc giao cho các đơn vị không
trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số Bộ, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng
Chính phủ giao Bộ KHĐT khẩn trương phối với các Bộ: Giao thông vận tải,
NN&PTNT, LĐTBXH để kết luận thanh tra việc các Bộ giao cơ quan không
trực thuộc làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực
hiện dự án đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, ngân
sách nhà nước.
Liên quan đến các dự án trọng điểm quốc
gia, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương: Triển
khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư
công được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024;
ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên
họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm,
quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư, các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến
độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn
định cuộc sống người dân; Đối với nguồn vật liệu cho thi công: Các địa
phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ
đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ VLXD thông
thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ
lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Liên quan đến các CTMTQG: Các chủ Chương
trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH,...), Cơ quan chủ
trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ KHĐT) và UBND các tỉnh ban
hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và
kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong
quá trình thực hiện.
Để đẩy nhanh quá trình phân bổ vốn và
giải ngân vốn đầu tư công Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung
ương và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng
yêu cầu trước đó. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương
cần chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi
giao dịch để làm thủ tục chuyển nguồn các dự án thuộc Chương trình phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024, làm căn cứ tiếp tục
giải ngân./.
HD