Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH  
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công

Tại dự án 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là một trong những dự Luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung. Quan điểm sửa Luật tập trung vào 2 chính sách gồm: Chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; Chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ảnh minh họa: GH

Tháo gỡ bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14) được Quốc hội khoá XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Qua hơn 06 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí tài sản công.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, do sự biến động nhanh, khó lường của kinh tế - chính trị thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam nên yêu cầu về việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng có sự thay đổi dẫn đến một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh mới.

Điển hình như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay quy định “cứng” thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định này đã hạn chế tính chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian ra quyết định phê duyệt Đề án bị kéo dài do phải qua nhiều khâu trung gian; đồng thời, thiếu sự đồng bộ với quy định về thẩm quyền áp dụng cho các hành vi khác liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (mua sắm, thuê, bán, điều chuyển, thanh lý,…).

Một bất cập khác là việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành quy định phân cấp thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công. Việc phân cấp thẩm quyền được các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo nhiều tiêu chí khác nhau như: theo loại tài sản, theo giá trị của tài sản, theo mức độ tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị,… và được phân cấp cho nhiều đối tượng khác nhau như: UBND cấp tỉnh, huyện xã, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã, Giám đốc Sở, ngành, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh, Thủ trưởng cơ quan nhà nước, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập…

Quá trình thực hiện các quy định về phân cấp của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy việc phân cấp này là phù hợp với thực tiễn, sát với yêu cầu quản lý tài sản công của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp nêu trên hiện nay chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương do theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới.

Một vướng mắc khác là hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật; do đó, tài sản tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, loại hình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được xác định cụ thể trong các nhóm tổ chức đã quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; do đó, còn có sự lúng túng trong áp dụng pháp luật để quản lý, sử dụng đối với tài sản công tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó là các bất cập về: Một số hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn xử lý tài sản; quy định về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện nay còn chưa hợp lý; một số quy định về tính khấu hao, hao mòn tài sản công chưa đồng bộ; chưa có quy định cụ thể để phân định việc áp dụng giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các luật có liên quan... Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như khắc phục các vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực thi thời gian qua.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công

Tại dự thảo đã sửa đổi quy định về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công gắn với việc xác định cụ thể căn cứ ban hành định mức, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Đồng thời bổ sung đối tượng áp dụng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện tương tự như chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án đề tăng tính chủ động cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, sửa đổi quy định về tính khấu hao, hao mòn tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng theo hướng không phải tính khấu hao đối với tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư mà giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật không bao gồm chi phí khấu hao; chi phí khấu hao tài sản được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (nếu đơn vị có Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp); tài sản kết cấu hạ tầng có thể được tính hao mòn, khấu hao mà không quy định bắt buộc phải tính hao mòn.

Mặt khác sửa đổi quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là ngoại tệ, việc áp dụng hình thức bán, bổ sung hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Sửa đổi trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo hướng đơn giản hóa, giao trách nhiệm lập phương án cho đơn vị chủ trì xử lý tài sản để tạo thuận lợi trong công tác quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; tạo tính chủ động trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và hạn chế được các nguy cơ có thể xảy ra.

Dự thảo cũng bổ sung quy định các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thu Trang​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính