Phiên thảo luận sáng 2/11 tại Hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, nhiều đại biểu đánh giá, chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến để việc điều hành chính sách tài khóa đạt được các mục tiêu đã đề ra
Khó khăn nhưng vẫn nhiều điểm sáng
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội trường.
Ảnh: Nguồn Quochoi.vn
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khẳng định, công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua. Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dư địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả… Chính sách tài khóa thời gian qua góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu cũng bày tỏ một số băn khoăn về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh… Về vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, thời gian qua vai trò này liên tục giảm, thể hiện qua tỉ lệ số thu mà ngân sách trung ương được hưởng, liên tục đà suy giảm.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá, việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021 - 2023 đã giúp nước ta ổn định được kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể, năm 2021 và đặc biệt là năm 2023 còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn, trung và dài hạn… Cụ thể như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 (Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị thế giới như hiện nay, đặc biệt là xung đột giữa một số quốc gia, tình hình lạm phát toàn cầu. Do vậy cần phải có những điều chỉnh trước những biến động, bối cảnh mới. Tuy nhiên, dường như chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng khi xu hướng chung. Đại biểu cho rằng, thận trọng là cần thiết, song nếu quá thận trọng thì sẽ không có lợi khi chi tiêu của Chính phủ được xem như là một động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 2/11. Ảnh: Nguồn Quochoi.vn
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua nhiều giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng, chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc xuất nhập khẩu, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đã đạt được những yêu cầu lớn… Cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nợ công, bội chi, lạm phát được kiểm soát, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Ước thực hiện tổng thu ngân sách năm 2023 cơ bản đạt dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế như chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm. Năm 2023 có khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.
Cân đối hài hòa nguồn thu cho chính quyền địa phương
Để hạn chế thấp nhất các thách thức trong thời gian tới, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt là đối với nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp, chính sách nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá về công tác lập dự toán…
Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về thu, chi ngân sách. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách. Chính phủ cần có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn ngân sách thực hiện các chương trình đề ra trong Nghị quyết 43. Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên cũng làm ảnh hưởng tới chính quyền địa phương khi bị giảm nguồn thu. Do đó để bù đắp lại các khoản chính quyền địa phương phải giảm theo chính sách của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho địa phương có thể thu ở các lĩnh vực khác, để cân đối hài hòa giữa thu và chi ở các địa phương. Ví dụ, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoặc các tỉnh ven biển, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng gió, cần tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển lĩnh vực này để có nguồn thu bù đắp.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, 21 tỉnh thành phía nam có lợi thế là có nguồn thu từ sổ xố kiến thiết, nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công, quá trình chi từ nguồn này, theo chính sách của Chính phủ, vừa qua đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới. Đại biểu đề nghị, nên để Hội đồng nhân dân của các tỉnh thành quyết định việc sử dụng nguồn thu từ sổ xố kiến thiết này cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
nêu giải pháp về kỉ luật quản lý tài chính ngân sách. Ảnh: Nguồn Quochoi.vn
Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, năm 2023 làm năm giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra về kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách đầu tư công trung hạn và nêu rõ một số nội dung cần tiếp tục quan tâm. Theo đó về kỉ luật quản lý tài chính ngân sách, đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hiệu quả, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương. Về cơ cấu vốn, đại biểu đồng tình với việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, về cơ cấu ngân sách trung hạn cần cân đối hài hòa hơn giữa kinh tế với văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội và đối ngoại.
Thu Trang