Sáng 22/5, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo tại Quốc hội
Chính phủ phấn đấu năm 2017 đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%
Về ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 12 năm 2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại. Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 16,8%, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh. Tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế; tổng thu NSNN đạt 32,7% dự toán cả năm (tăng 17,8%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; trong 4 tháng có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 825 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm.
Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng kinh tế “chưa thực sự bền vững”. Tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng”, Ủy ban Kinh tế kiến nghị.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.
Trong nhóm các giải pháp tập trung từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao; ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng tình với các nhóm giải pháp của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế cho rằng, với quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, “đồng hành cùng doanh nghiệp”...
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cần tập trung điều hành theo hướng ổn định lạm phát cơ bản; điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng điện, xăng dầu... nhằm thực hiện kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của QH.
Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN triển khai còn chậm. Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa quyết liệt thực hiện phương án theo kế hoạch đề ra. Việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN; nâng cao trách nhiệm, chất lượng tư vấn và kiểm toán, xác định, thẩm định giá trị vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước...
Đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi.
Ủy ban Kinh tế của QH cũng đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Báo cáo bổ sung kế hoạch sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 cho thấy, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, có 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 6 chỉ tiêu đạt cao hơn (trong đó có tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,0%, số báo cáo QH trước đó là 6-7; 5 chỉ tiêu còn lại không đổi so với số đã báo cáo QH. 1 chỉ tiêu thấp hơn so với số đã báo cáo QH nhưng vẫn đạt kế hoạch (tốc độ tăng chỉ số giá CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74%, số đã báo cáo là 4%, thấp hơn so mức 5% QH đã thông qua); 1 chỉ tiêu đạt thấp hơn (tốc độ tăng trưởng GDP là 6,21% so với số đã báo cáo là 6,3 - 6,5%).
N.L