Trong 15 năm qua, Chính phủ đã huy động được 3,37 triệu tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), chiếm hơn 80% khối lượng huy động vốn hàng năm cho ngân sách nhà nước, quy mô thị trường TPCP hiện ở mức 23% GDP, tăng 18 lần khi chúng ta đưa TPCP vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu
Tăng trưởng nhanh, đồng bộ
Chiều 5/12, Bộ Tài chính tổ chức “Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ”. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng đây là dấu mốc quan trọng để ghi nhận những kết quả đạt được của thị trường TPCP trong những năm vừa qua.
“Thị trường TPCP đã có sự tăng trưởng nhanh và đồng bộ, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương huy động vốn cho đầu tư phát triển ở trung ương, địa phương và các ngân hàng chính sách huy động vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của nhà nước”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nói.
Cụ thể theo Thứ trưởng, trong 15 năm vừa qua, Chính phủ đã huy động được 3,37 triệu tỷ đồng thông qua phát hành TPCP, chiếm hơn 80% khối lượng huy động vốn hàng năm cho ngân sách nhà nước, quy mô thị trường TPCP hiện ở mức 23% GDP, tăng 18 lần khi chúng ta đưa TPCP vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thông qua thị trường trái phiếu, 02 ngân hàng chính sách đã huy động được 476.601 tỷ đồng, chính quyền các địa phương đã huy động được 39.893 tỷ đồng.
Sự phát triển của thị trường TPCP đóng vai trò quan trọng trong phát triển thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Khi mới đi vào hoạt động, thị trường TPCP có rất ít sản phẩm, cho đến nay đã có đầy đủ các kỳ hạn từ dưới 1 năm đến 30 năm, giá trị giao dịch bình quân phiên tăng từ mức 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức 11.200 tỷ đồng/phiên trong 10 tháng đầu năm 2024 gấp hơn 30 lần so với năm 2009, bên cạnh đó còn có các sản phẩm phái sinh TPCP để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư là NHTM, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm. Bảo hiểm tiền gửi và BHXH Việt Nam. Qua đó, tạo dựng đường cong lợi suất làm tham chiếu chuẩn trên thị trường.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, với sự phát triển của thị trường TPCP, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện tái cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng vừa kéo dài kỳ hạn vừa giảm lãi suất để đảm bảo an toàn nợ công (hiện nay kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,05 năm, tăng khoảng 3 lần so với năm 2009), đồng thời tái cơ cấu lại hệ thống các nhà đầu tư theo hướng tăng cường nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp bảo hiểm để thị trường hoạt động ổn định, vững chắc. Đồng thời, thực hiện giải pháp nhằm nâng cao tính thanh khoản và phát triển thị trường về chiều sâu, về cơ bản có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành TPCP với công tác quản lý ngân quỹ và điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Quang cảnh Hội nghị
Còn nhiều tiềm năng để phát triển
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Một trong những mục tiêu chủ yếu được Quốc hội quyết nghị là đạt mức tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% trong năm tới. Hiện nay, Chính phủ cũng đã đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng lớn hơn cho năm 2025, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng là năm chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm tiếp theo, 2026-2030. Đó là, thay vì phấn đấu tăng trưởng GDP 7-7,5%, Chính phủ hướng đến mục tiêu cao hơn, đạt tăng trưởng khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021-2030.
Mới đây nhất, trong các bài phát biểu của người đứng đầu Đảng và Chính phủ đều khẳng định: để tạo tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước, dân tộc, chúng ta phải khơi thông và huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là giai đoạn tới chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số để đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng mới thông qua Nghị quyết về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với 1,7 triệu tỷ đồng, dự kiến trong 10 năm sẽ cơ bản hoàn thành.
Tất cả những mục tiêu đó đều cần huy động một nguồn vốn khổng lồ từ nhà nước và xã hội. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng, việc tiếp tục phát triển thị trường TPCP là kênh huy động vốn chủ yếu cho Chính phủ, ngân hàng chính sách và chính quyền các địa phương, đồng thời là sản phẩm đầu tư có tính thanh khoản, an toàn và hiệu quả đối với nhà đầu tư là một trong những nhiệm vụ tất yếu để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với thế và lực từ nội tại, thị trường TPCP còn nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay tỷ trọng đầu tư TPCP so với tổng tài sản của các nhà đầu tư như ngân hàng thương mại chỉ chiếm 4,3%, doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 22%. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý rằng, để phát triển thị trường TPCP trong thời gian tới, cơ quan chức năng của Bộ Tài chính cần lưu ý để phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện một số công việc.
Đó là cần rà soát và hoàn thiện khung pháp lý, trên cơ sở đánh giá, nhận diện những bất cập trong công tác phát hành TPCP như phát hành TPCP gắn với quản lý ngân quỹ và giải ngân vốn đầu tư công để chủ động hơn trong công tác phát hành, tránh việc điều hành bị động như các năm vừa qua. Xây dựng đường cong lãi suất TPCP với đầy đủ các kỳ hạn từ ngắn đến dài hạn làm tham chiếu chuẩn trên thị trường. Rà soát khung pháp lý để xây dựng được hệ thống nhà tạo lập thị trường có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Về phát triển cơ sở nhà đầu tư, Thứ trưởng đề nghị trên cơ sở quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2023, cần tiếp tục phát triển nhà đầu tư là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm do đây là các nhà đầu tư dài hạn. Thực hiện các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong đó có thị trường TPCP.
Về tổ chức thị trường sơ cấp và thứ cấp, cần tiếp tục rà soát để tăng thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp, thứ cấp, chú trọng gắn kết với tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Trong điều kiện thị trường thuận lợi, lãi suất huy động thấp tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài để huy động vốn cho NSNN để tiết kiệm chi phí và tái cơ cấu nợ Chính phủ, nợ công. Tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường chứng khoán và hệ thống giao dịch, cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch bảo đảm chính xác, kịp thời, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn tin cậy có tính tham chiếu cao cho thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và thành viên của thị trường. Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực chia sẻ thông tin, tăng cường đối thoại với các thành viên thị trường trái phiếu trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để quá trình xây dựng, kiến tạo thị trường TPCP được thuận lợi, thông suốt.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hội nhập quốc tế. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam chủ động, tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam để học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về thị trường tài chính, tiền tệ nhằm tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng trao Bằng khen và chúc mừng các đơn vị
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 29 tập thể đã có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của thị trường TPCP trong giai đoạn 2020-2024, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.
Tin và ảnh: Tuệ Anh