Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 11 năm 2019 (Phần II)

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN Giới thiệu văn bản mới  
Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 11 năm 2019 (Phần II)

GIỚI THIỆU VĂN BẢN MỚI LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

(Từ 15/11/2019 31/11/2019)

A- VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG

Phần I. Nghị định của Chính phủ

1. Nghị định 85/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

* Ngày ban hành     :  14/11/2019

* Ngày có hiệu lực  :  01/01/2020

* Nội dung chính    :  quy định về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Bộ Tài chính:

- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực:

+) Công bố Danh mục thủ tục hành chính và thời điểm thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

+) Thống nhất mô hình hệ thống kết nối và trao đổi thông tin, yêu cầu về phương thức kết nối, tiêu chuẩn kỹ thuật và chỉ tiêu thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia;

+) Tổ chức thực hiện quản lý, vận hành, lưu trữ thông tin dữ liệu và xử lý sự cố của Cổng thông tin một cửa quốc gia;

+) Công bố thông tin, định dạng biểu mẫu các chứng từ điện tử quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định mã số HS đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 21 Nghị định này để các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành và công bố theo quy định.

- Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng và kết nối hệ thống với Cổng thông tin một cửa quốc gia để tiếp nhận, xử lý thông tin hoặc trực tiếp truy cập Cổng thông tin một cửa quốc gia để tiếp nhận, xử lý thông tin.

- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan:

+) Xây dựng và triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin với với các quốc gia, vùng lãnh thổ có ký kết thỏa thuận, điều ước về trao đổi thông tin và chứng từ điện tử với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+) Đề xuất việc công nhận lẫn nhau đối với thông tin và chứng từ điện tử được trao đổi với các quốc gia và vùng lãnh thổ để đơn giản hóa hồ sơ chứng từ, thủ tục nhằm giảm thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.

​Phần II. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1.     Quyết định 33/2019/QĐ-TTg  năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa

đổi quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2)

* Ngày ban hành     :  14/11/2019

* Ngày có hiệu lực   :  31/12/2019

* Nội dung chính     :

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 33/2015/QĐ- TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) như sau:

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau: “2. Cấp bù chênh lệch lãi suất

Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách như sau:

a) Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, ngân sách trung ương đảm bảo 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội;

b) Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội;

c) Đối với các địa phương còn lại, ngân sách địa phương đảm bảo 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội."

2. Bổ sung thêm khoản 2a Điều 5 như sau:

“2a. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được xác định cụ thể như sau:

Mức cấp bù chênh lệch lãi suất=Dư nợ cho vay thực tế bình quân của chương trìnhxLãi suất bình quân các nguồn vốn-Lãi suất cho vay thực hiện chương trình

Trong đó lãi suất bình quân các nguồn vốn được xác định theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hành Chính sách xã hội."

3. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ nhất của điểm c khoản 1 Điều 8 như sau:

“- Trên cơ sở tổng số cấp bù chênh lệch lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, xác định số chính thức được khấu trừ vào tổng mức cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách trung ương cho Ngân hàng Chính sách xã hội".

Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 12 năm 2019. Việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định này được thực hiện từ năm 2016.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

2.     Quyết định 1659/QĐ-TTg năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030"

* Ngày ban hành     :  19/11/2019

* Ngày có hiệu lực   :  19/11/2019

* Nội dung chính     :   Phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức" 

Đối tượng, phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện

1. Đối tượng áp dụng gồm:

a) Cán bộ trong các cơ quan nhà nước.

b) Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp huyện); công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).

c) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Không áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ngoại giao;

b) Giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.

3. Thời gian thực hiện: từ năm 2019 đến hết năm 2030.

Yêu cầu

1. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị.

2. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm huy động, phát huy tối đa các nguồn lực, năng lực hiện có của đội ngũ giảng viên, giáo viên và hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

3. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng và bản thân cán bộ, công chức, viên chức trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.

4. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, gắn việc học ngoại ngữ đi đôi với thực hành, sử dụng ngoại ngữ thường xuyên, hiệu quả trong thực thi công vụ.

Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế;

- Hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức;

- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu đến hết năm 2025:

+ 50% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định.

+ 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định.

+ 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định.

b) Đến năm 2030:

Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cả về số lượng và chất lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đến hết năm 2030:

- 60% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 35% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành;

- 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành;

- 30% cán bộ, công chức xã và 25% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành.

Lộ trình và kinh phí thực hiện

1. Lộ trình

a) Giai đoạn 2019 - 2020: các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức" của cơ quan, đơn vị mình với các mục tiêu, yêu cầu, nội dung hoạt động. Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

b) Giai đoạn 2021 - 2025: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực, uy tín tham gia thực hiện Đề án.

c) Giai đoạn 2026 - 2030: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu Đề án. Đưa việc học tập ngoại ngữ thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và triển khai đồng bộ, rộng khắp trong cả nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

2. Kinh phí

a) Kinh phí xây dựng và thực hiện Đề án được bố trí từ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính, huy động hợp pháp khác.

b) Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

c) Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính

Cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền bố trí và phân bổ kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.

Phần III. Quyết định của Bộ Tài chính

  1. Quyết định 2361/QĐ-BTC  năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019

* Ngày ban hành     :  14/11/2019

* Ngày có hiệu lực   :  14/11/2019

* Nội dung chính     :  

Điều 1. Điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019 đối với Tổng cục Dự trữ nhà nước theo phụ lục đính kèm.

Điều 2. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2019 được giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước, của Bộ Tài chính.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Sở Tài chính