Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 06 năm 2022 (Phần I)

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN Giới thiệu văn bản mới  
Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 06 năm 2022 (Phần I)

GIỚI THIỆU VĂN BẢN MỚI LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

(Từ 01/06/202215/06/2022)

 

 

 

 

 

 

Phần I. Nghị định của Chính phủ

1. Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

* Ngày ban hành     :  12/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  01/7/2022

* Nội dung chính    :

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được áp dụng từ ngày 01/7/2022. Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo 4 vùng như sau:

- Về mức lương tối thiểu theo tháng:

+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.

+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.

+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.

+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.

(Mức lương tối thiểu nêu trên tăng 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành).

- Về mức lương tối thiểu theo giờ:

+ Vùng I: 22.500 đồng/giờ;

+ Vùng II: 20.000 đồng/giờ;

+ Vùng III: 17.500 đồng/giờ;

+ Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

(Đây là nội dung mới bổ sung)

Lưu ý:

- Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP .

- Việc áp dụng địa bàn vùng còn có thể được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP .

Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP .

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.

 

Phần II. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1. Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam".

* Ngày ban hành     :  07/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  07/6/2022

* Nội dung chính     :

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0" vào năm 2050;

- Tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình KTTH; đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế;

- Mô hình KTTH hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững;

- Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây;

- Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế;

- Mô hình KTTH góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động từ KTTH.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

2. Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".

* Ngày ban hành     :  08/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  08/6/2022

* Nội dung chính     :

Ngày 08/6/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:

- Đối với TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, Công ty tài chính (CTTC), Công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt):

+ Đối với các NHTM:

Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiếu đạt 15.000 tỷ đồng;

Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng;

+ Đối với CTTC: vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng;

+ Đối với CTCTTC: vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

- Đối với NHTM, CTTC, CTCTTC yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

 

Phần III. Quyết định của Bộ Tài chính

1. Quyết định 958/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về Phê duyệt phương án kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội và Thông tư số 69/2019/TT-BTC ngày 15/07/2019 của Bộ Tài chính.

* Ngày ban hành     :  03/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  03/6/2022

* Nội dung chính     :

Phê duyệt phương án kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và Thông tư số 69/2019/TT-BTC ngày 15/07/2019 của Bộ Tài chính về quy định hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. (kèm theo).

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.

2. Quyết định 958/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về ban hành quy chế quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

* Ngày ban hành     :  06/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  06/6/2022

* Nội dung chính     :

Về phương pháp thực hiện:

1. Quy hoạch cho một nhiệm kỳ và định hướng cho nhiệm kỳ kế tiếp.

2. Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai nhiệm kỳ hiện tại của đại hội đảng bộ các cấp. Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ngành Tài chính nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thực hiện vào năm 2022.

3. Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch từ 01 đến 02 lần cho cả quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp trong quý I và báo cáo kết quả phê duyệt quy hoạch trong quý II, chậm nhất tháng 6; trường hợp rà soát, bổ sung quy hoạch lần thứ 02 trong năm phải báo cáo ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch.

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.

3. Quyết định 990/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cụ thể cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

* Ngày ban hành     :  07/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  01/01/2022

* Nội dung chính     :

Ban hành kèm theo Quyết định này Biểu quy định tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cụ thể cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho giai đoạn từ ngày 01/01/2022 đến khi Quốc Hội có quy định lại về thời kỳ bình ổn ngân sách mới. Theo đó, tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đối với tỉnh Hà Nam là 70%.

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.

 

Phần IV. Thông tư của Bộ Tài chính

1. Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.

* Ngày ban hành     :  03/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  18/7/2022

* Nội dung chính     :

Ngày 03/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2022/TT-BTC về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ. Theo đó, đối với công chức dự thi nâng ngạch kế toán viên chính đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với ngạch kế toán viên chính gồm:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.

(Quy định mới không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học)

- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo Khoản 3 Điều 6 Thông tư 29.

(Thêm yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số)

- Đang giữ ngạch Kế toán viên và có thời gian giữ ngạch Kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).

Trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

- Trong thời gian giữ ngạch kế toán viên hoặc tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên.

Thông tư 29/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/7/2022 và thay thế Thông tư 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

2. Thông tư 30/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.

* Ngày ban hành     :  03/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  20/7/2022

* Nội dung chính     :

Ngày 03/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, nội dung hỗ trợ bảo hiểm y tế bắt buộc đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ như sau:

- Mức bảo hiểm y tế bắt buộc:

Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đô la Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 đô la Mỹ/người/năm;

- Trường hợp người học có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định nêu trên thì phải tự bù phần chênh lệch.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông) như sau:

- Người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo;

- Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

3. Thông tư 31/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

* Ngày ban hành     :  08/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  01/12/2022

* Nội dung chính     :

Ngày 08/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC .

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được sử dụng để:

- Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan.

- Thống kê Nhà nước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các lĩnh vực khác.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

4. Thông tư 32/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 273/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.

* Ngày ban hành     :  09/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  01/8/2022

* Nội dung chính     :

Thông tư 32/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 273/2016/TT-BTC quy định về mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, sửa đổi quy định quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông như sau:

Đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao thực hiện thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Nguồn cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn vị này thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP :

Được trích để lại 4% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 96% vào ngân sách nhà nước.

(Hiện hành, được trích để lại 10% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 90% vào ngân sách nhà nước).

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

5. Thông tư 33/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2019/TT-BTC).

* Ngày ban hành     :  09/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  15/8/2022

* Nội dung chính     :

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 33/2022/TT-BTC ngày 09/6/2022 sửa đổi Thông tư 26/2019/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước. Trong đó, sửa đổi nội dung chi thực hiện công tác cải cách hành chính như sau:

- Chi xây dựng đề cương chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, 5 năm, 10 năm; xây dựng báo cáo cải cách hành chính chuyên đề, định kỳ.

So với hiện hành, bổ sung chi xây dựng đề cương chương trình, kế hoạch cải cách hành chính 10 năm và xây dựng báo cáo cải cách hành chính chuyên đề, định kỳ.

- Chi xây dựng, duy trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính.

(Hiện hành là chi xây dựng, duy trì Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh).

Ngoài ra, chế độ bồi dưỡng ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư 26/2019/TT-BTC được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

6. Thông tư 34/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ Quyết định số 83/2005/QĐ-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

* Ngày ban hành     :  10/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  01/8/2022

* Nội dung chính     :

Bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 83/2005/QĐ-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành Tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.

 

Phần V. Văn bản hợp nhất của Bộ Tài chính

1. Văn bản hợp nhất 12/VBHN-BTC của Bộ Tài chính, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

* Ngày ban hành     :  10/6/2022

* Ngày có hiệu lực  :  10/6/2022

* Nội dung chính     :

Văn bản này được hợp nhất từ 02 Nghị định sau:

- Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;

- Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2021; riêng khoản 1 Điều 1 Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (sau đây gọi là Nghị định số 67/2021/NĐ-CP).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Nghị định trên.

* Đề nghị các phòng chuyên môn nắm để biết.


Sở Tài chính