Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 04 năm 2023 (Phần I)

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN Giới thiệu văn bản mới  
Văn bản mới liên quan đến lĩnh vực tài chính tháng 04 năm 2023 (Phần I)

GIỚI THIỆU VĂN BẢN MỚI LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

(Từ 16/4/2023 - 30/4/2023)

Phần I. Nghị quyết của Chính phủ

1. Nghị quyết 55/NQ-CP do Chính phủ ban hành về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.

* Ngày ban hành     :  20/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  20/4/2023

* Nội dung chính     : 

1. Thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có với 02 chính sách như đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 55/TTr-BTC nêu trên. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Giao Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến Thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định.

2. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 và cho phép thông qua Nghị quyết theo quy trình một kỳ họp Quốc hội (tháng 5 năm 2023). Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu.

* Đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

2. Nghị quyết 58/NQ-CP do Chính phủ ban hành về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

* Ngày ban hành     :  21/04/2023

* Ngày có hiệu lực   :  21/04/2023

* Nội dung chính     :

Theo đó, trong nhiệm vụ hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021, hoàn thành trong tháng 4/2023;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa với các chính sách vĩ mô khác và cân đối nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, người thu nhập thấp theo quy định;

- Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được các cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai vào thực tế các giải pháp giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức;

- Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước;

- Rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt thức ăn chăn nuôi.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

 

Phần II. Nghị định của Chính phủ

1. Nghị định 14/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

* Ngày ban hành     :  20/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  15/5/2023

* Nội dung chính     : 

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 24 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 4 tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ, cụ thể như sau:

(i) Các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

+ Vụ Ngân sách nhà nước.

+ Vụ Đầu tư.

+ Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).

+ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.

+ Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.

+ Vụ Hợp tác quốc tế.

+ Vụ Pháp chế.

+ Vụ Tổ chức cán bộ.

+ Thanh tra.

+ Văn phòng.

+ Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

+ Cục Quản lý công sản.

+ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.

+ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

+ Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

+ Cục Quản lý giá.

+ Cục Tin học và Thống kê tài chính.

+ Cục Tài chính doanh nghiệp.

+ Cục Kế hoạch - Tài chính.

+ Tổng cục Thuế.

+ Tổng cục Hải quan.

+ Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

+ Kho bạc Nhà nước.

+ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

So với Nghị định 87/2017/NĐ-CP , không còn quy định về Vụ Chính sách thuế và Vụ Thi đua - Khen thưởng mà thay vào đó là Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Trong đó, Vụ Ngân sách nhà nước có 4 phòng (giảm 1 phòng); Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng; Vụ Đầu tư có 4 phòng; Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng; Vụ Pháp chế có 5 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ có 7 phòng (tăng 2 phòng); Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

(ii) Các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính gồm:

+ Viện Chiến lược và chính sách tài chính.

+ Thời báo Tài chính Việt Nam.

+ Tạp chí Tài chính.

+ Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

* Đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn nắm để biết.

2. Nghị định 16/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

* Ngày ban hành     :  25/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  25/4/2023

* Nội dung chính     : 

Theo đó, doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN và NLĐ tại doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN được hưởng các chính sách sau đây:

- Được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ QPAN theo quy định pháp luật về đất đai, thuế và pháp luật có liên quan.

- Được Nhà nước bố trí ngân sách và nguồn lực khác để đảm bảo khoản chi theo định mức quy định gồm:

+ Chi quân trang hằng năm, chi xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu;

+ Các khoản chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu theo chế độ hiện hành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.

Doanh nghiệp thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn đối với các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp, các khoản chi phục vụ quân sự QPAN, quan hệ quân dân theo kế hoạch, nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chuyên môn, đơn vị đầu mối trực thuộc giao nhiệm vụ.

- Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và căn cứ vào năng suất lao động và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.

- Khi thực hiện nhiệm vụ QPAN, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật ưu đãi về người có công với cách mạng; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

 

Phần III. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1. Quyết định 435/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

* Ngày ban hành     :  24/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  24/4/2023

* Nội dung chính     :

Phân công các Thành viên Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương liên quan trực tiếp đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính,... và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn (tại Phụ lục kèm theo Quyết định này). Theo đó, thành viên Chính phủ chủ trì đoàn làm việc với tỉnh Hà Nam là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Thời gian làm việc: Hoàn thành trước ngày 20 tháng 5 năm 2023.

* Đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn nắm để biết.

2. Quyết định 458/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023 - 2025.

* Ngày ban hành     :  28/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  28/4/2023

* Nội dung chính     :

Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023-2025 có những nội dung như sau:

- Về vay, trả nợ của Chính phủ:

+ Tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.873 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.813 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 59 nghìn tỷ đồng.

+ Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.098 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 967 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 131 nghìn tỷ đồng.

+ Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

- Về bảo lãnh Chính phủ:

+ Mức bảo lãnh Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.

+ Đối với bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu:

++ Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 11.037 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025;

++ Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 27.851 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025 (tối đa 8.451 tỷ đồng) cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi tại Nghị quyết 43/2022/QH15 (tối đa 19.400 tỷ đồng).

++ Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2023-2025 nêu trên chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang năm 2023 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022.

+ Quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương:

+ Khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương hàng năm giai đoạn 2023-2025 khoảng 0,3% GDP.

* Đề nghị các phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu các nội dung có liên quan.

 

Phần IV. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

1. Chỉ thị 10/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

* Ngày ban hành     :  19/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  19/4/2023

* Nội dung chính    :

Tại Chỉ thị 10/CT-TTg nêu rõ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tậm, đặc biệt nhấn mạnh:

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông (ATGT).

- Trong quá trình xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trọng xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

- Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

- Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách.

Yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

* Đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ  tham mưu các nội dung có liên quan.

 

Phần V. Quyết định của Bộ Tài chính

1. Quyết định 808/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về việc phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.

* Ngày ban hành     :  17/4/2023

* Ngày có hiệu lực   :  17/4/2023

* Nội dung chính     :

Mục đích của Chương trình hành động Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 cụ thể như sau:

- Chương trình hành động xác định các nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính để tổ chức thực hiện các mục tiêu và giải pháp trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 bảo đảm thị trường bảo hiểm hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả.

- Chương trình hành động này là căn cứ cho các đơn vị xây dựng các kế hoạch hành động theo chức năng để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu và giải pháp mà Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra.

- Chương trình hành động này cũng là căn cứ để tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030;

Đồng thời, là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh mục tiêu, giải pháp Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 trong trường hợp cần thiết.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ xác định trong Chương trình hành động Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được dựa trên những yêu cầu cơ bản sau:

- Quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030.

- Cụ thể hóa các giải pháp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 gắn với từng giai đoạn cụ thể;

Bảo đảm khả thi, có kết quả rõ ràng và có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược.

- Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

* Đề nghị các đơn vị, phòng chuyên môn nắm để biết.


Sở Tài chính