Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tổng thu NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 276,7 nghìn tỷ đồng

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Tổng thu NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 276,7 nghìn tỷ đồng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 tháng đầu năm nay đã chậm lại so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và tác động không thuận của dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi NSNN 2 tháng đầu năm 2020.

QB.JPG

Ảnh minh họa. Tuệ Anh

Tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2020 duy trì xu hướng tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và tác động không thuận của dịch Covid-19 tác động đến nhiều hoạt động của nền kinh tế, nhất là ngành du lịch, xuất khẩu nông sản hàng hóa, vận tải… Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng ước tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%), kim ngạch xuất khẩu tăng 2,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%), chỉ số giá (CPI) bình quân tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,6%).

Tình hình trên có ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi NSNN 2 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế ước đạt 276,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: thu nội địa đạt 18,4% dự toán, tăng 12,8%; thu về dầu thô đạt 31,9% dự toán, tăng 44,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15,5% dự toán, giảm 15,7% so cùng kỳ năm 2019.

Tiến độ thu nội địa 2 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ đạt 17,6% dự toán), chủ yếu do có độ trễ giữa kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh với số thu NSNN. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng như ngân hàng, dầu khí… có kết quả sản - xuất kinh doanh năm 2019 đạt khá, phát sinh tăng số thu NSNN được nộp trong tháng 1, 2/2020 theo chế độ quy định (không kể số phát sinh tăng này thì số thu 2 tháng đầu năm xấp xỉ cùng kỳ 2019).

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể so với cùng kỳ (15,7%) chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Đà tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và với Trung Quốc nói riêng trong 2 tháng đầu năm đã chậm lại với tổng giá trị xuất nhập khẩu ước tăng 2,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 5%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn đều giảm đã tác động đến số thu của khu vực này, như: than đá giảm 14,6%, vải các loại giảm 10,5%, sắt thép các loại giảm 18,5%, ô tô nguyên chiếc giảm 57%, xơ, sợi dệt các loại giảm 13%, nguyên liệu may da, giày giảm 11%, máy móc, thiết bị giảm 3,7%...

Chi NSNN 2 tháng ước đạt 220,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 7,4% dự toán; chi trả nợ lãi 21,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 15,1% dự toán; đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán được giao và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách. Để phòng, chống dịch Covid-19, cả NSTW và NSĐP đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống và dập dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Covid-19. Riêng NSTW, đã trích 517,7 tỷ đồng dự phòng năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.

Thực hiện chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã giao là 470,6 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn 2 tháng tuy còn chậm so với yêu cầu (trên 10% dự toán), song có tiến bộ lớn so với cùng kỳ năm 2019 (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ cả về tiến độ và mức thực hiện). Cơ quan tài chính các cấp, Kho bạc nhà nước thực hiện tốt công tác kiểm soát chi ngân sách đảm bảo đúng chính sách, chế độ thúc đẩy tiết kiệm, chống lãng phí.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 27,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020.

NSNN​


Bộ Tài chính