Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tổng quan thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn Hàng hóa dồi dào, giá cả tăng nhẹ

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Tổng quan thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn Hàng hóa dồi dào, giá cả tăng nhẹ

Trên cơ sở báo cáo của một số Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua theo dõi tình hình thị trường, Bộ Tài chính cho biết, tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 08/02/2024 đến ngày 11/02/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 02 Tết) không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Hoạt động mua sắm trong ngày 29, 30 Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên tại các gia đình và cúng Giao thừa như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, rượu bia, thuốc là và bánh kẹo.

image

Ảnh minh họa: Kim Chung

Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 diễn ra vào thời điểm đầu tháng 2 dương lịch nên từ tháng 1 đến tuần đầu tháng 2 là cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. Tuy dịch vụ ăn uống nhà hàng cuối năm tăng lên nhưng giá các mặt hàng thiết yếu về cơ bản không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào.Thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết. Chỉ một số mặt hàng như hoa tươi thắp hương tăng hơn 40%, trái cây và gà ta thắp hương tăng 10%-15%. Trong khi đó một số mặt hàng như cá chép đỏ hay đồ hàng mã thì sức mua kém, giá ổn định và thậm chí có thời điểm giảm.

Đánh giá về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết cho thấy, hầu hết các địa phương có kế hoạch khá chu đáo, giao thương ổn định nên không có hiện tượng khan hàng, sốt giá do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều tích cực chuẩn bị, đảm bảo lượng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ, dồi dào.

Dịp sát Tết Nguyên đán, giá gạo chất lượng cao, gạo nếp chỉ tăng nhẹ từ 3 - 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định. Tại miền Bắc, giá gạo tẻ thường ở mức 13.500-20.500 đồng/kg; gạo thơm đặc biệt từ 25.000-35.000 đồng/kg; gạo nếp từ 20.000-35.000 đồng/kg (gạo nếp Hương Bảo Lạc – Cao Bằng có giá 65.000 đồng/kg). Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 5% tấm ở mức 15.200-18.500/kg, gạo thơm các loại 16.000-25.000đ/kg, gạo nếp từ 19.000-28.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm tươi sống tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ trước Tết do nguồn cung dồi dào. So với ngày thường, giá thịt bò ổn định, có nơi giảm nhẹ; giá gà sống tăng khoảng 10.000 – 30.000 đ/kg. Giá lợn hơi có tăng nhẹ thời điểm bắt đầu ngày ông Công ông Táo, tuy nhiên do sức mua vẫn còn hạn chế kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn giá vẫn ổn định, có nơi thấp hơn so với giá thị trường.

Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương cơ bản ổn định, thậm chí có một số nơi giảm nhẹ do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rau quả nên nguồn cung khá dồi dào và ổn định; chỉ có tại miền Bắc tại thời điểm rét đậm cuối tháng 01 thì giá một số loại rau củ nhích lên khoảng 5%-10%. Giá các loại hoa quả, nhất là một số loại hoa quả nhập tăng nhẹ từ 10 - 15% tùy từng loại so với ngày thường do nhu cầu cúng Tết cũng như phục vụ quà tặng, chúc Tết.

Đối với hàng thực phẩm công nghệ phẩm chế biến có giá ổn định dịp trước Tết do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đủ nguồn hàng cho thị trường và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn Tết đều có các chính sách ổn định giá cả cho các tháng trước, trong và sau Tết.

Giá nhiều mặt hàng khác như đường, dầu ăn, nước mắm ổn định do nguồn cung lớn, nhiều loại hàng Việt đã có thị phần lớn so với các năm trước, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập.

Giá hoa tươi tăng nhẹ vào các ngày giáp Tết do nhu cầu tăng cao đối với các loại hoa tươi phục vụ cúng lễ. Giá các loại cây cảnh chơi Tết như đào, quất, mai tương đương so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung dồi dào. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh năm nay giảm hơn so với các năm trước do người dân thắt chặt chi tiêu hơn.

Giá dịch vụ vận tải được các địa phương theo dõi sát sao và có các văn bản chỉ đạo sở, ban ngành liên quan thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát thông qua các công tác tiếp nhận kê khai giá, kiểm tra niêm yết giá. Theo báo cáo của các địa phương, một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện phụ thu giá vé một số tuyến cố định tăng không quá 20%-60%.

Từ ngày 29/12/2023, giá vé một số dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải được điều chỉnh tăng trong phạm vi biểu giá tối đa của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do Ban Quản lý chợ quản lý vẫn thu theo giá quy định của UBND thành phố là 5.000 đồng/chiếc, tuy nhiên tại một số điểm giữ xe tư nhân tự phát có nơi giá vé gấp đôi là 10.000 đồng/chiếc.

Công tác quản lý, điều hành giá được phối hợp nhịp nhàng

Đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian trước, trong Tết , Bộ Tài chính cho biết công tác này được chuẩn bị từ rất sớm với sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động của các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan.

Từ ngày 15/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tiếp đó, trong tháng 1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đã họp để đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024, chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung…

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, các địa phương sớm chủ động công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ với giá cả hợp lý, kết nối cung cầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Công tác quản lý, điều hành giá đã được các địa phương chú trọng triển khai quyết liệt. Các tỉnh đã rất linh hoạt, chủ động trong tổ chức triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường. Các doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, các chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức bán hàng đến cận Tết và bán sớm sau Tết để đảm bảo tình trạng khan hiếm hàng hóa không xảy ra, ổn định giá cả thị trường.

Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có chỉ đạo các Cục hải quan xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường nhập hàng hóa, tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa trong dịp Tết, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cục Thuế các tỉnh cũng tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra nhằm tránh thất thu thuế, gian lận thương mại; phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) triển khai đồng bộ các hoạt động đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển để kiềm chế các hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.

Dự báo và kiến nghị biện pháp quản lý, bình ổn giá sau Tết

Theo quy luật hàng năm, trong Tết hầu như ít có giao dịch mua bán ngày mùng 1, mùng 2 nên giá cả thường ổn định như trước Tết, các ngày nghỉ Tết tiếp theo giá cả sẽ có khả năng tăng giá cục bộ tại các chợ dân sinh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và hoa tươi do người dân mua sắm phục vụ ăn uống thắp hương ngày Tết. Sau dịp Tết, nhất là sau dịp Rằm tháng Giêng, giá cả sẽ dần giảm trở lại bình thường. Ngoài ra, tình trạng nhu cầu giảm, sức mua trong dân vẫn hạn chế từ năm 2023 đến nay khiến cho tổng cầu giảm sẽ góp phần làm giá cả không biến động lớn do nguồn cung dồi dào.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn./.

Kim Chung​