Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tình hình thực hiện thu, chi NSNN 5 tháng đầu năm 2022

TIN TỨC SỰ KIỆN Tin tài chính  
Tình hình thực hiện thu, chi NSNN 5 tháng đầu năm 2022

Theo báo cáo của Vụ NSNN, tổng thu NSNN 5 tháng ước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: thu nội địa đạt 54,9% dự toán, tăng 14,9%; thu từ dầu thô đạt 104,4% dự toán, tăng 90,9%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 65,7% dự toán, tăng 29,7%.

Ảnh minh họa: GH

Có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt từ 44% dự toán trở lên; 45/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 18 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Có 10/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (trên 42% dự toán) , một số khoản thu có mức tăng khá so cùng kỳ năm 2021 . Bên cạnh đó, cơ quan Thuế, Hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu, công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã ban hành. Ước tính đến hết 5 tháng, tổng số thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Số thu NSNN 5 tháng như trên phản ánh sát diễn biến tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát gia tăng ở Mỹ và một số nước phát triển, chính sách zero Covid của Trung Quốc và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, đẩy giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao, tác động làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh; đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và một số khoản thu ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong thời gian tới

Cũng theo báo cáo, tổng chi NSNN 5 tháng đạt 589,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt gần 43,6 nghìn tỷ đồng, bằng 42% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 428,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 5 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 01 nghìn tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 29 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 518,1 nghìn tỷ đồng , bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng thêm khoảng 42,7 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.  

Tiến độ giải ngân vốn 5 tháng đầu năm chậm (bằng 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 6,26% kế hoạch. Có 05 bộ và 17 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 30% kế hoạch, trong khi 41 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch (trong đó có 5 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân số vốn được giao).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 5 tháng đầu năm, đã thực hiện phát hành 53,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,37 năm, lãi suất bình quân 2,42%/năm.

NS​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính