Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tin học, thống kê tài chính: Nắm bắt cơ hội CMCN 4.0, hướng tới kỷ nguyên số

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN  
Tin học, thống kê tài chính: Nắm bắt cơ hội CMCN 4.0, hướng tới kỷ nguyên số

31 năm trước đây, ngày 22/10/1989, hệ thống Tin học - Thống kê ngành Tài chính ra đời với sứ mệnh quan trọng là nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý tài chính. Trải qua hơn ba thập kỷ xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống Tin học - Thống kê ngành Tài chính đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc hiện đại hóa ngành Tài chính, tạo nền tảng cho toàn ngành nắm bắt vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại.

Nhân dịp này, Cổng TTĐT Bộ Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính để hiểu rõ hơn về những đóng góp của công tác tin học, thống kê trong những năm qua và định hướng chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Thưa ông, sau 31 năm hình thành và phát triển, công tác tổ chức triển khai ứng dụng CNTT của ngành Tài chính đã đạt được những kết quả gì? Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật?

Ông Nguyễn Đại Trí: Trải qua hơn 30 năm, hệ thống Tin học - Thống kê ngành Tài chính đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Đã phát triển, quản lý và vận hành nhiều hệ thống thông tin lớn, cốt lõi trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách được Đảng và Nhà nước giao quản lý, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên ngành: tài chính, thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc, chứng khoán, dự trữ. Các hệ thống thông tin này đã góp phần quan trọng trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính. Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về thuế, hải quan, thu chi ngân sách, giá, công sản… bước đầu đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính công theo hướng hiện đại. Qua đó từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách các thể chế, thay đổi quy trình, thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân sách, kho bạc... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khoá, kế toán và thống kê NSNN.

Một số kết quả tổ chức triển khai ứng dụng CNTT của ngành Tài chính có thể kể đến như:

DSC_1484.JPG

Hệ thống CNTT hiện đại, đồng bộ giúp ngành Thuế đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính thuế,
đem lại hiệu quả thiết thực cho NNT và cơ quan quản lý. Ảnh NA

Số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt 99,98% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước. 99% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 94,73% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử.

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, đã có 13/14 bộ ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này.

Ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ Tài chính cũng đạt được một số kết quả nhất định: 100% các thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo được đưa lên Cổng thông tin diện tử Bộ Tài chính; liên thông văn bản điện tử trong toàn ngành Tài chính qua việc triển khai chương trình eDocTC; triển khai, hoàn thiện một số hệ thống thông tin quản lý tập trung nội ngành như: phần mềm quản lý tài sản nội ngành, kế toán nội ngành, phần mềm thi đua khen thưởng…

Hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất của ngành Tài chính được duy trì hoạt động ổn định, là nền tảng cho hạ tầng mạng đa dịch vụ và ảo hóa phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT toàn ngành Tài chính.

Bảo đảm an toàn thông tin được tổ chức triển khai một cách bài bản và toàn diện, các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin đã được thực hiện và tích hợp trong tất cả các công đoạn liên quan đến thông tin và hệ thống thông tin, không làm ảnh hưởng hay ngừng trệ hoạt động của hệ thống.

Bộ Tài chính cũng bước đầu triển khai ứng dụng một số công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; công nghệ phân tích dữ liệu lớn; công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN.

Chính vì vậy, 7 năm liên tiếp (2013-2019) Bộ Tài chính luôn dẫn đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT Index) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam công bố.

? Thưa ông, những bước tiến trong triển khai ứng dụng CNTT hơn ba thập kỷ qua đóng vai trò như thế nào đối với sự nghiệp phát triển ngành Tài chính nói chung?

Ông Nguyễn Đại Trí: Trong Chiến lược Tài chính đến năm 2020, ngành Tài chính sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Tiếp tục kế thừa, phát huy các thành quả của quá trình triển khai CNTT ngành Tài chính trong các giai đoạn trước, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, việc triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính từ năm 2016 đến nay tập trung thực hiện các mục tiêu chủ đạo: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển các nền tảng chia sẻ dữ liệu trong ngành Tài chính và giữa ngành Tài chính với người dân, doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời tăng cường xây dựng, khai thác dữ liệu lớn và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.

Nhằm chủ động tiếp cận, tham gia và tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, ngày 09/3/2018 Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ đặt ra mục tiêu “chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.

Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết trên của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, đòi hỏi toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đặc biệt là cán bộ làm việc trong lĩnh vực CNTT cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, thực hiện các hành động đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với việc khó, tạo nên các bước đột phá, các làn sóng mới trong xây dựng, triển khai ứng dụng CNTT. Trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: (i) Xây dựng chiến lược Tài chính toàn diện trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng CNTT và chiến lược của từng lĩnh vực trong ngành phù hợp định hướng phát triển kinh tế số; xây dựng các cơ chế chính sách về thuế, tài chính đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển, đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT và các công nghệ tiên tiến khác, đồng thời tạo ra nhiều nguồn thu mới từ nền kinh tế số; (ii) Hoàn thành các mục tiêu về Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 (trước đây là Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 24/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử), đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan để tiếp tục cải thiện môi trường cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ sản xuất mới. Từng bước ứng dụng công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nêu trên vào các lĩnh vực của ngành Tài chính theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Hình thành hệ sinh thái Tài chính số trên cơ sở dữ liệu mở ngành Tài chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của ngành Tài chính; (iii) Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản và tự động hóa các quy trình hoạt động nội bộ, cung cấp khả năng tra cứu thông tin và xử lý nghiệp vụ trên thiết bị di động, hướng tới văn phòng không giấy tờ; (iv) Hoàn thành đám mây ngành Tài chính ở mức hạ tầng; quy hoạch và chuyển đổi từng bước các ứng dụng sang môi trường đám mây; thiết lập hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất, phù hợp với các giai đoạn chuyển đổi số ngành Tài chính, tuân thủ các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin; (v) Tập huấn, nâng cao nhận thức, kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho lãnh đạo, cán bộ các cấp của ngành Tài chính để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

 

anh Tri.JPG

Ông Nguyễn Đại Trí – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính. Ảnh: Tuệ Anh

Hiện nay, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm mục tiêu hướng tới xây dựng Chính phủ số. Ngành Tài chính với vai trò huyết mạch của cả nền kinh tế đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Trí: Có thể nói Bộ Tài chính là một trong các bộ luôn đi đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ về ứng dụng CNTT. Để chủ động tiếp cận với CMCN 4.0, trên cơ sở các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 09/3/2018 Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách với mục tiêu “Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.

Ngày 30/3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong ngành, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, ngày 21/5/2020 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Để đảm bảo triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của Bộ Tài chính theo mục tiêu của Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, tại Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2020.

Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2020 là sự kế thừa Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số.

Ngày 12/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Như vậy, đến nay hệ thống văn bản liên quan trực tiếp đến chủ trương, chính sách và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính nhằm chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và Chính phủ điện tử (bao hàm các định hướng về chuyển đổi số trong ngành Tài chính) gồm: Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018, Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2020, Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 và Quyết định phê duyệt Kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ. Các văn bản trên có tính chất liên kết chặt chẽ, kế thừa và bổ sung cho nhau để triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các định hướng về ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 trong ngành Tài chính phục vụ phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số của ngành Tài chính.

Về lộ trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính phê duyệt Kiến trúc Chính phủ ngành Tài chính, lộ trình chuyển đổi từ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của ngành Tài chính được chia thành 03 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2020: tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ điện tử và các công cụ số hóa. CNTT đóng vai trò là công cụ hỗ trợ quan trọng xây dựng Tài chính điện tử.

Giai đoạn đến năm 2025: tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh. CNTT trở thành phần chiến lược của ngành Tài chính giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính mở, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Giai đoạn đến năm 2030: thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. CNTT đóng vai trò đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Tuệ Anh (Thực hiện)​


Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính